Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020

22/07/2020 15:26

Sáng 22/7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020 và triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Anh: PN

 

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trịnh Đình Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Cùng dự có 63 điểm cầu tại các tỉnh thành toàn quốc và 15 điểm cầu tại các quốc gia trên thế giới.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm là phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng đề ra mục tiêu là đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất khẩu, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại. Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 đến 20%, 25 đến 30% vào năm 2045.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh báo cáo chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị. Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu với chủ đề: Tăng trưởng và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo - kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu. Ông Mark Wesley - Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ tham gia phát biểu với chủ đề: Sáng kiến và hỗ trợ của Bộ Năng lượng Mỹ cho phát triển năng lượng tái tạo khu vực Đông Nam Á và Việt Nam và bà Steffi Stallmeiter - Giám đốc điều hành hoạt động dự án Ngân hàng thế giới tại Việt Nam với chủ đề Chuyển đổi năng lượng sạch gắn với phát triển bền vững của Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận thống nhất giải pháp, ý chí, hành động quyết liệt để đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống và để thúc đẩy phát triển năng lượng quốc gia. Ngay tại Hội nghị, các đại biểu chứng kiến ký kết thỏa thuận hợp tác một số dự án tiêu biểu như: Hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Cà Ná giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nam và tỉnh Ninh Thuận; Hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô giữa Công ty cổ phần Chân Mây LNG và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Hợp tác nghiên cứu đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi Lagan Bình Thuận giưa CIP, Asiapetro, Novasia và UBND tỉnh Bình Thuận và Hợp tác giữa các nhà thầu chế tạo trong nước Vietsovpetro/PVCMS với nhà đầu tư Enterprise Energy trong lĩnh vực điện gió.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các địa phương chú ý huy động các nhà đầu tư vào đầu tư điện gió, điện mặt trời vì đây là nguồn điện sạch, nhanh, dễ làm, dễ huy động nguồn lực từ tư nhân. Đồng chí đề nghị phải quy hoạch hạ tầng năng lượng nói chung, hệ thống truyền tải điện bởi quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng và Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công thương có kế hoạch cụ thể thực hiện quy hoạch.

 Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Diễn đàn là dịp để trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình và cách làm hay trong phát triển năng lượng của các địa phương cũng như kinh nghiệm quốc tế. Chúng ta phải có quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị quyết. Đồng thời, làm sao xây dựng được thị trường năng lượng đồng bộ, đảm bảo về giá và khuyến khích thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển năng lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Phát triển năng lượng phải gắn chặt bảo vệ môi trường. Vì vậy, Đảng ta chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Nghị quyết đi vào cuộc sống hay không thì cần sự chủ động tích cực của các bộ, ngành, địa phương.

Phúc Nguyên

 

 

Chuyên mục khác