26/09/2022 13:23
|
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9/2022, toàn quốc giải ngân được 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%). Có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%; có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngoài ra, Chính phủ đã giao hơn 92.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách TW giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, đã có 47/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành Trung ương tập trung thảo luận nêu lên kết quả đạt được, nói rõ những hạn chế, phân tích nguyên nhân hạn chế và đề ra các giải pháp trong thời gian tới nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu đạt kế hoạch đề ra.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương một số bộ, ngành, địa phương chủ động làm và có kết quả giải ngân cao; phê bình các bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp, dưới mức trung bình cả nước.
Thủ tướng đề nghị cần tìm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc giải ngân chậm và đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân vốn đầu tư của đơn vị mình thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay. Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết những khó khăn cho các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện văn bản để Chính phủ ban hành Chỉ thị để chỉ đạo hướng dẫn, triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư; đồng thời tích cực đôn đốc, kiểm tra, bám sát tình hình để chỉ đạo, điều hành và cần phải quyết liệt hơn, tích cực, hiệu quả với tinh thần tất cả vì nhân dân, vì quốc gia và trước tiên cán bộ lãnh đạo phải nêu gương làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không làm hết giờ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu 6 tổ công tác của Chính phủ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tìm hiểu nguyên nhân và đôn đốc, triển khai các biện pháp quyết liệt để thúc đẩy tốt hơn giải ngân vốn đầu tư công…
Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, hiện có quá nhiều văn bản chỉ đạo, vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan tiến hành rà soát lại, cắt bớt thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải giảm việc đầu tư giàn trải, ưu tiên chọn lọc, lựa chọn dự án sao cho hiệu quả nguồn vốn đầu tư… Đây là nhiệm vụ trọng tâm nên cấp ủy phải vào cuộc, chính quyền phải quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có các giải pháp để thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia…
"Trách nhiệm với quê hương, đất nước, với nhân dân được thể hiện qua những việc làm cụ thể. Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân"- Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số Noru (bão số 4), không chủ quan, lơ là mất cảnh giác; tiến hành rà soát thật kỹ người dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt và tiến hành di dân ra khỏi vùng nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng tài sản của người dân và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cơn bão gây ra.
Phúc Nguyên