Hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

10/04/2020 14:57

Sáng 10/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội với các bộ, ngành và các tỉnh thành trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: LS

 

Dự họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở.

 Báo cáo trình bày tại Hội nghị đánh giá, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, ảnh hưởng mạnh tới tâm lý, đời sống người dân trong xã hội; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân... Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất tính từ năm 2011 tới nay; dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn.

Tham gia ý kiến thảo luận tại Hội nghị, các bộ và nhiều tỉnh thành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh… chia sẻ gánh nặng và khó khăn với các doanh nghiệp và người dân, đồng lòng, quyết tâm cao với Chính phủ thực hiện các chỉ thị và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà Chính phủ đề ra, hướng tới các đối tượng là doanh nghiệp, người lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Hội nghị tập trung đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…

Các ngành Ngân hàng, Tài chính, Công thương, Giao thông Vận tải... đã kịp thời triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị quy đổi ước tính khoảng 330 nghìn tỷ đồng. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo thực hiện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện ngay các giải pháp thuộc thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung vượt thẩm quyền. Quyết tâm thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Lê Sang

 

Chuyên mục khác