Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”

29/12/2018 08:29

Như Báo Kon Tum đã đưa tin, ngày 28/12 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, với sự tham gia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo cáo bộ, ban ngành Trung ương và địa phương tại các điểm cầu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng, được tổ chức ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 27/12 và ngay trước thềm năm mới, đặt nền móng cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tinh thần Hội nghị hôm nay sẽ không chỉ là sự tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 2018 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019 mà chúng ta cần soi chiếu lại tất cả hành trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay bởi lẽ những thành quả đạt được của năm 2018 chính là kết quả của những chính sách, những hành động đã được thực hiện ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, kế thừa cả những thành quả đã đạt được trước đó và tương tự những gì chưa đạt được cũng sẽ là sự phản ánh những tồn tại và yếu kém của toàn bộ quá trình đòi hỏi tất cả chúng ta phải xem xét một cách khách quan, tổng thể và có tính hệ thống - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng gợi ý một số nội dung chính để Hội nghị thảo luận như cần tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện…

Trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, tinh thần quyết tâm cao, sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt, tạo nền tảng để kinh tế - xã hội nước ta bứt phá trong năm 2019, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Kết quả nổi bật, bao trùm là tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua và cũng cao hơn mọi dự báo. Nhiều kỷ lục khác cũng được xác lập, như về thu ngân sách nhà nước, dự trữ ngoại hối, xuất khẩu, xuất siêu, thu hút vốn đầu tư…

Đáng lưu ý, dù tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu kiểm soát lạm phát, thâm hụt ngân sách giảm, thị trường chứng khoán ổn định.

Các chính sách xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện; đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mạng lưới khám, chữa bệnh được tập trung đầu tư, nâng số giường bệnh/1 vạn dân đạt 26,5 giường (hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2020 là 26,5 giường); chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; chất lượng giáo dục được nâng lên. Ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh theo hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước; thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Công tác thanh tra được tập trung triển khai theo đúng kế hoạch; ban hành kết luận nhiều vụ việc nghiêm trọng; tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, nhân dân quan tâm.

Đề cập những tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực; ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi; khiếu nại, tố cáo tuy đã giảm về số lượng nhưng vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương; tình hình tội phạm, mất an ninh trật tự xảy ra tại một số địa bàn…

Vì vậy, nhiệm vụ của năm 2019 là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân cả nước. Phát huy kết quả đạt được của năm 2018, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, chung sức đồng lòng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi, toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2018 chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực. Trong năm 2019, cần phấn đấu đạt kết quả cao hơn nữa...

“Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang tiếp tục lan toả rộng khắp trên cả nước”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, thoả mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về tài chính - tiền tệ và xuất khẩu dưới tác động của chiến tranh thương mại…

Đề cập phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2019 là năm thứ tư - năm chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm; năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng.

Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần ra sức phấn đấu, khẩn trương đề ra và chủ động, tích cực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác với những cơ chế, chính sách, biện pháp mạnh mẽ, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra.

Đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương thống nhất cao với dự thảo Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; tập trung thảo luận các nội dung dự thảo Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, từ đó đi đến thống nhất đề ra triển khai 1 chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định năm 2018 là một năm của nhiều kỷ lục, nhiều thành tựu nổi bật. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2019 là rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế pháp luật, bảo đảm minh bạch, tạo môi trường cho đầu tư kinh doanh phát triển.

"Phải bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính và cán bộ, công chức, viên chức yên tâm cống hiến cho đất nước. Không được vì chống tham mà trì trệ trong hành động"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng nêu rõ, khát vọng của Chính phủ là đưa đất nước tiến lên, không cam chịu nghèo đói, lạc hậu. Vì vậy, cả hệ thống phải phục vụ cho mục tiêu này. Cần truyền tải tới từng cán bộ, công chức tinh thần ấy.

Đừng coi Nhà nước là cai trị hành chính, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng không dễ dàng, nhưng lãnh đạo chính quyền phải gần dân hơn; người đứng đầu các bộ ngành, địa phương cần nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, đất nước - Thủ tướng nhấn mạnh... 

Tin, ảnh: Thành Hưng

Chuyên mục khác