Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Tìm cách tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong kinh doanh

17/05/2017 17:41

Ngày 17/5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với sự theo dõi của khoảng một vạn doanh nghiệp tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp", Hội nghị lần này có quy mô lớn hơn so với lần đầu tổ chức vào tháng 4/2016. Các phó thủ tướng: Trương Hoà Bình, Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và nhiều bộ trưởng trực tiếp tham gia để lắng nghe và phản hồi ý kiến của doanh nghiệp. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị

 

Dự hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Đức Tuy, Lại Xuân Lâm, Lê Ngọc Tuấn, cùng lãnh đạo các sở, ngành và 20 doanh nghiệp. 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: LS

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, 5 nhóm giải pháp chính được đưa ra trong Nghị quyết năm 2016 đã góp phần thực hiện mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, thu được những kết quả tích cực.

Các hành động của bộ máy quản lý được thể hiện bằng 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành giúp đơn giản hóa 4.527/4.723 thủ tục hành chính (gần 96%). Từ Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước, trong đó đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77%.

Kết quả là năm 2016 đã ghi nhận một làn sóng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mạnh mẽ. Tuy nhiên, dù phần lớn kiến nghị của doanh nghiệp được các bộ, ngành ghi nhận, tháo gỡ, song thực tế vẫn còn nhiều nút thắt về thể chế, môi trường kinh doanh.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chúc mừng Chính phủ đã khởi động thành công "làn sóng cải cách lần thứ 2", song cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn về thể chế, môi trường kinh doanh do tích tụ từ thời gian trước để lại. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức. Nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp; tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến; nhiều bộ, ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thân-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ nêu ý kiến có một bộ phận doanh nghiệp chủ động “đi đêm”, “chi ngầm” để tạo lợi thế cạnh tranh. Theo ông Thân, cộng đồng doanh nghiệp mặc dù đã có những sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí, bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức.Việc cải cách thể chế đã giúp giảm chi phí chính thức của doanh nghiệp trên một số khía cạnh, đặc biệt các chi phí tiệm cận dịch vụ công, tạo bước tiến về cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên các loại thuế, phí vẫn còn là gánh nặng của doanh nghiệp.

Bà Đinh Thị Loan- Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam kiến nghị các giải pháp cấu trúc lại thị trường bán lẻ; đề nghị bổ sung ngành bán lẻ (gồm tất cả các loại hình) vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư; phát triển tập đoàn đa sở hữu về bán lẻ Việt Nam; cho phép nghiên cứu xây dựng chương trình khuyến thương.

Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ có giải pháp đẩy mạnh cải thiện tính minh bạch trong đầu tư, nhất là trong các quy định của pháp luật. Vừa qua Chính phủ đã đạt được những thành tựu trong lĩnh vực hải quan, thuế, tuy vậy, cần tiếp tục thực hiện và khởi xướng mạnh mẽ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch thông qua việc đẩy mạnh cải cách thể chế và thủ tục hành chính…

Một chi tiết rất đáng chú ý tại Hội nghị này là cộng đồng doanh nghiệp nhận được nhiều lời hứa đồng hành, cùng hợp tác và phát triển, lời hứa phục vụ doanh nghiệp của người đứng đầu các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Những ý kiến góp ý gay gắt của doanh nghiệp đã bớt đi rất nhiều, chứng tỏ chúng ta đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Tuy nhiên, bên cạnh đó là vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp dẫn đến hiện tượng “cò” thực thi chính sách; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp.

Với tinh thần “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh và đều bình đẳng, Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Người đứng đầu ngành, địa phương là bộ trưởng, bí thư, chủ tịch phải có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ này. Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp, “năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”...

                                                                  LS

Chuyên mục khác