03/03/2022 20:40
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải.
Theo báo cáo của Chính phủ, đường Hồ Chí Minh- công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội khóa XI thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004. Đến ngày 29/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp để triển khai hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183km (tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km) với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật từ 2 đến 6 làn xe; đầu tư phân kỳ đến năm 2020 hoàn thành dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe và sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Đến năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng loạt và hoàn thành các dự án thành phần với tổng chiều dài 2.061km, cơ bản nối thông từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe, qua đó, góp phần thay đổi diện mạo về cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối các tỉnh Tây Nguyên với duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ùn tắc, tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, mở rộng giao lưu kinh tế, thương mại cho các địa phương.
Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp tục triển khai các dự án còn lại và một số cầu lớn. Đó là công trình cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống với kết cấu dây văng hiện đại, kết hợp với các đoạn tuyến nối từ tỉnh Đồng Tháp với các tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ đã hình thành trục giao thông trung tâm, xóa bỏ phà, kết nối thuận lợi giao thông đường bộ cho các tỉnh, thành phố trong khu vực tứ giác Long Xuyên.
Đến hết năm 2020, chỉ còn 7 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279km chưa triển khai, do khó khăn về nguồn vốn và hiện đã bố trị vốn được cho 3 đoạn với tổng chiều dài 108km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Còn lại khoảng 171km với tổng mức vốn đầu tư 10.770 tỷ đồng, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cân đối bổ sung nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện. Dự án đặt mục tiêu đến năm 2030 và định hướng sau năm 2030, hoàn thiện hệ thống đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc để khai thác đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải.
Theo đánh giá của Chính phủ, tuyến đường Hồ Chí Minh đã hình thành nên trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ 2 ở khu vực phía Tây của Tổ quốc cùng với Quốc lộ 1 ở phía Đông tạo sự liên hệ chặt chẽ Bắc-Trung-Nam, bảo đảm giao thông thông suốt, giảm chi phí vận tải, rút ngắn thời gian lưu thông; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển vùng đất giàu tiềm năng ở phía Tây; góp phần điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, phân bổ lại dân cư và lực lượng lao động trong phạm vi cả nước; góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo; kết nối các khu vực du lịch và các di tích lịch sử, liên kết các vùng trọng điểm kinh tế, các cửa khẩu, các cảng biển trên toàn quốc và các nước trong khu vực, đáp ứng xu thế hội nhập của nền kinh tế đất nước.
Công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảm đảm quốc phòng và an ninh; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các khu vực, địa phương có tuyến đường đi qua…
Tại Hội nghị, các đại biểu, lãnh đạo một số địa phương và chuyên gia đã tham gia thảo luận, thẳng thắn nêu những hạn chế, nguyên nhân, khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai dự án thuận lợi, hiệu quả, đúng tiến độ và mục tiêu đề ra.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hải- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dự án đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng của quốc gia, được Quốc hội thông qua và chủ trương đầu tư từ năm 2004. Dự án được điều chỉnh một số nội dung và giải pháp trong năm 2013 thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 để đảm bảo tiếp tục thực hiện có hiệu quả theo chủ trương đề ra. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế-xã hội, đáp ứng mục tiêu kết nối giao thông, kinh tế các vùng.
Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, dự án vẫn chưa hoàn thành mục tiêu năm 2020 nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo quy định tại Nghị quyết số 66/2013/QH13. Vẫn còn những tồn tại nhất định, với nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Với vai trò, ý nghĩa quan trọng của quốc gia mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự án vẫn chưa được nhận thức thật sự sâu sắc toàn diện, chưa có sự quan tâm đứng mức, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện còn chưa quyết liệt, kịp thời.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các bộ ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung đẩy nhanh bố trí nguồn vốn đầu tư hợp lí; ưu tiên đầu tư để đảm bảo mục tiêu thông tuyến và thiết kế 2 làn xe cho các đoạn còn thiếu, các đoạn có số lượng phương tiện lưu thông lớn yêu cầu mở rộng trên 2 làn xe đầu tư sau; phân tích, đánh giá tổng kết khách quan về ý nghĩa phát triển kinh tế, tác động môi trường của dự án những đoạn qua khu vực miền núi; tổ chức đánh giá lại mục tiêu thông tuyến và đảm bảo thiết kế 2 làn xe ở một số đoạn qua các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Cà Mau…
Với tinh thần quyết liệt, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp với các bộ ngành liên quan thống nhất nội dung, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ tài liệu, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 10/3 sắp tới.
Đức Thành