26/06/2021 09:02
|
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng các huyện, thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều quyết tâm, thường xuyên nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chấn chỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, quán triệt và thực hiện nghiêm các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Chỉ tiêu năm 2021 toàn tỉnh trồng mới 3.000ha rừng, nhưng với quyết tâm cao, các đơn vị, địa phương đăng ký, tổ chức trồng mới hơn 4.447ha rừng. Cụ thể, 10/10 huyện, thành phố xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển rừng sản xuất với tổng diện tích 3.353,1ha; các đơn vị chủ rừng xây dựng Dự án trồng rừng với tổng diện tích 374,5ha và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trồng rừng với tổng diện tích 720ha. Hiện nay, hầu hết các dự án, kế hoạch trồng rừng đã được cơ quan chức năng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng hồ sơ đấu thầu cung ứng cũng như gieo ươm cây giống, phát dọn thực bì, đào hố để chuẩn bị trồng rừng.
Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức 693 cuộc tuyên truyền; 242 đợt tuần tra, truy quét; phát hiện và xử lý 122 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với khối lượng gỗ vi phạm 292,564m3 cùng diện tích thiệt hại 54,67ha. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ vi phạm giảm 103 vụ và khối lượng gỗ vi phạm giảm 60%. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 27,489ha.
|
Tham gia ý kiến thảo luận tại Hội nghị, các đơn vị, địa phương đã thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian vừa qua; đồng thời, kiến nghị một số giải pháp để nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới, trong đó tập trung vào công tác trồng rừng, hướng giải quyết đối với hơn 221.771ha rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang tạm quản lý, việc giao đất, giao rừng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả các đơn vị, địa phương đã đạt được. Đồng thời nhấn mạnh, so với những năm trước, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đều được khẩn trương điều tra và đem ra xét xử, không có vùng cấm.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương làm tốt công tác trồng rừng và chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng cho giai đoạn tiếp theo để khai thác tốt lợi thế diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng lớn của tỉnh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hoàn thành các thủ tục, hồ sơ để triển khai công tác trồng rừng theo đúng quy định của pháp luật; đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang tạm quản lý, khẩn trương thực hiện giao về các đơn vị chủ rừng những diện tích đất lâm nghiệp có rừng và giao UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án cụ thể để quản lý, sử dụng khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng, bố trí đất sản xuất, thu hút đầu tư, cho doanh nghiệp thuê những diện tích đất lâm nghiệp không có rừng; kiện toàn lại nhân sự, lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng các phương tiện, công cụ hỗ trợ, cơ sở để đề xuất, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp trong thời gian tới.
Đức Thành