28/04/2021 13:59
|
Đồng chí Phan Đình Trạc- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Trung ương về Phòng, chống tham nhũng dự và chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; U Huấn- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII về nhiệm vụ công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp đã đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ của Đại hội XII.
Theo đó, đối với công tác nội chính: Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng: Đi vào chiều sâu, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”.
Đối với công tác cải cách tư pháp: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp và cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt. Hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động tư pháp tương đối đầy đủ, đồng bộ, cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và tuyên truyền nhằm tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Trước hết, xây dựng cho được sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương để dẫn dắt cán bộ, đảng viên và người dân; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí. Tích cực sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế- xã hội, về phòng, chống tham nhũng để phòng ngừa tham nhũng.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tiếp tục đấy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng…
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp. Đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên phải thực sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hội nghị đã phát động phong trào thi đua “Phát hiện và tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; chủ trì tham mưu xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự tại địa phương” giai đoạn 2021-2025.
Dương Đức Nhuận