10/03/2023 13:01
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành; 94 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và tham tán thương mại ở nước ngoài; lãnh đạo các Hiệp hội và UBND thành phố Hà Nội.
|
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Năm 2022, Chính phủ đặt ưu tiên cao nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì các cân đối lớn, đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao; tổng kết, ban hành nhiều định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết, chiến lược quan trọng về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, công nghiệp hoá - hiện đại hoá, nông nghiệp..., phát triển và quy hoạch các vùng, địa phương và ngành, lĩnh vực, tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bám sát các trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị về ngoại giao kinh tế, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 được triển khai quyết liệt, bài bản, hiệu quả, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong năm 2022, các nội dung hợp tác về kinh tế đã được thúc đẩy mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất, với hơn 150 văn kiện hợp tác ký kết, góp phần đưa hợp tác kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế đã xác định phương châm triển khai “quyết liệt, hành động, linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo, đột phá, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”; trên cơ sở đó, 6 nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2023 được xác định.
Đó là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ; triển khai tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, trong đó xác định hợp tác kinh tế là nội hàm trung tâm nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài kết hợp với các nguồn lực trong nước; đẩy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, nâng cao vị thế đất nước; chú trọng, tăng cường nhạy bén và chuyên sâu trong nghiên cứu, dự báo, tham mưu phục vụ Chính phủ và đáp ứng nhu cầu trong nước; đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá thời gian vừa qua, với tinh thần làm việc khẩn trương, chủ động, quyết liệt, ngành ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kịp thời các nhiệm vụ đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng, đóng góp cho đất nước theo hướng phục hồi nhanh và phát triển bền vững, đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển.
Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài; ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN, với quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà ngoại giao, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và tham tán thương mại ở nước ngoài, trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, trong đó có công tác ngoại giao kinh tế, do đó đề nghị, tiếp tục phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bám sát, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giữ vững bản lĩnh, nguyên tắc nhưng chủ động, linh hoạt, mềm dẻo.
Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực có hạn, công việc nhiều, yêu cầu cao, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…
Dương Nương