Hội nghị Tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”

18/06/2021 15:16

Sáng 18/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và triển khai nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 - 2030.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: ĐV

 

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hữu Độ và Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong đồng chủ trì.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố.

 Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tại Hội nghị khẳng định, trong 8 năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, ngành liên quan trong việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (Đề án 89); sự nỗ lực của các địa phương, các cơ quan, tổ chức xã hội có liên quan, các mục tiêu đề ra trong Đề án 89 về cơ bản đã được hoàn thành, các nhiệm vụ đã được thực hiện đúng tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng.

Theo đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có chuyển biến tích cực; công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tăng cường.

 Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và từng bước xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng. Việc triển khai các mô hình học tập được thực hiện linh hoạt, từng bước vững chắc, nhận được sự đồng thuận của người dân. Số lượt người tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, các lớp phổ cập ngoại ngữ, tin học ứng dụng, giáo dục kỹ năng sống, nghề ngắn hạn tại các trung tâm học tập cộng đồng hàng năm tăng. Việc học tập cho người lớn đã được chú trọng, trình độ dân trí được nâng lên...

Việc triển khai thực hiện Đề án 89 trên địa bàn tỉnh Kon Tum 8 năm qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể; nhờ vậy, công tác triển khai, thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập có những chuyển biến rõ rệt. Việc phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng xã hội học tập được tăng cường và có hiệu quả nhất định.

Trong những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng và ban hành kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập” phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Mạng lưới cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục thường xuyên không ngừng được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hoá và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tỉnh Kon Tum đã duy trì, củng cố kết quả công tác phổ cập giáo dục, có nhiều sáng tạo trong huy động nguồn lực phát triển khuyến học khuyến tài, từng bước nhân rộng các điển hình trong công tác xây dựng xã hội học tập, phát triển phong trào học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ. Toàn tỉnh có 102/102 xã, phường, thị trấn thành lập được Hội Khuyến học và có Trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học đã được hoàn thiện, thành quả công tác phổ cập giáo dục các bậc học tiếp tục được củng cố, phát triển...

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tích cực thảo luận, bàn giải pháp triển khai thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2030. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc xây dựng xã hội học tập không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà là của cả hệ thống chính trị, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò nòng cốt, quan trọng. Qua 8 năm thực hiện Đề án 89 đã có nhiều kết quả quan trọng cho việc xây dựng hình thành xã hội học tập; điều đó cho thấy, đây là một chủ trương được ban hành kịp thời và đi vào thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý, trong thời gian tới, để đề án hiệu quả cần phải có sự đổi mới trong quá trình hoạt động và phương pháp thực hiện. Trọng tâm là phải xác định được rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan của quá trình xây dựng xã hội học tập và mỗi người phải nhận thức được nhu cầu hoạt động để phát triển bản thân; các cá nhân phải được tạo điều kiện được ghi nhận về thái độ học tập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò then chốt trong sự phát triển xã hội học tập; phải có sự tham gia của các doanh nghiệp để tạo động lực cho sự phát triển của xã hội học tập; cần tăng cường hệ thống học tập từ xa, gia tăng nguồn dữ liệu tài nguyên số phục vụ cho việc học tập thường xuyên. Trong giai đoạn tới, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng...

Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho 71 tập thể và 92 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 89.

Đắc Vinh

 

Chuyên mục khác