Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX

25/05/2019 06:19

Ngày 24/5, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Đồng chí Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

 

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VN

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Nguyễn Thế Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; các hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX được ban hành, Tỉnh ủy kịp thời tổ chức hội nghị quán triệt và chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương, các tổ chức, đoàn thể quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết; tăng cường công tác tuyên truyền Luật Hợp tác xã đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã hoạt động.

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh phát triển được 178 tổ hợp tác, tăng 131 tổ hợp tác so với năm 2003; 108 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã, tăng 74 hợp tác xã. Theo thống kê, tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã 252,15 tỷ đồng, tăng 201,13 tỷ đồng so với năm 2003; tổng doanh thu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là 14,04 tỷ đồng, tăng 11,20 tỷ đồng; tổng lợi nhuận của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là 2,34 tỷ đồng, tăng 2,05 tỷ đồng...

Quá trình phát triển, các hợp tác xã đáp ứng các dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho thành viên, hướng dẫn thành viên sản xuất theo quy hoạch và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; qua đó, xuất hiện nhiều hợp tác xã tiêu biểu như Hợp tác xã Hợp Thành (huyện Ngọc Hồi), Hợp tác xã Công bằng Pô Cô, Hợp tác xã Sáu Nhung (huyện Đăk Hà), Hợp tác xã Tuyết Sơn (huyện Kon Plông)...

Các hợp tác xã ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, tự chủ trong tổ chức hoạt động và có những đóng góp ngày càng thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm...

Hội nghị thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý nhà nước về hợp tác xã còn bất cập; một số cơ quan nhà nước, cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở thiếu quan tâm, định hướng, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển; năng lực nội tại của một số hợp tác xã vẫn còn nhiều bất cập, thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao; đội ngũ cán bộ quản lý đa số tuổi cao, còn nặng tư duy hợp tác xã kiểu cũ, chưa năng động với thị trường; cơ sở vật chất xuống cấp, công nghệ sản xuất lạc hậu; đóng góp tổng sản phẩm trên địa bàn của khu vực kinh tế tập thể còn thấp so với các lĩnh vực kinh tế khác…

Tỉnh ủy xác định trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã với mục tiêu tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; chú trọng phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp; không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng và phát triển sản phẩm, hàng hóa có giá trị tăng cao và sản phẩm từ truyền thống thông qua mô hình hợp tác kiểu mới; phát huy vai trò của hợp tác xã trong xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên hợp tác xã…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế hợp tác xã và triển vọng mới của các hợp tác xã; các hợp tác xã phát triển tương đối đồng đều trên các lĩnh vực; người dân nắm bắt chủ trương, chính sách phát triển kinh tế hợp tác xã; quy mô bình quân của các hợp tác xã được mở rộng, chất lượng được nâng cao...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo chỉ ra, về xu hướng, các hợp tác xã phải phát triển theo chuỗi giá trị. Vì vậy, tỉnh cần đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển về chất lượng của các hợp tác xã trên địa bàn; đồng thời khẳng định, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ưu tiên một số mô hình, vốn, công nghệ cho, đầu ra sản phẩm... cho hợp tác xã ở tỉnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế hợp tác xã ở tỉnh có những đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm ở nông thôn…

Nhằm đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW, đồng chí Y Mửi đề nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền kinh tế tập thể, hợp tác xã, mô hình hợp tác xã kiểu mới; các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao hơn nữa năng lực tổ chức, điều hành hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, đáp ứng với yêu cầu trong giai đoạn mới; Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể; các đoàn thể chính trị-xã hội phát huy vai trò của mình đối với việc tham gia tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn...

VN

 

Chuyên mục khác