Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022

21/12/2021 13:57

Sáng 21/12, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tư pháp năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội nghị.

Đến dự Hội nghị có đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường thực Chính phủ; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: TVP

 

Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: U Huấn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Thế Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Năm 2021, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã được ngành Tư pháp chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch Covid-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số. Công tác tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy và cách làm.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thống nhất việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ngành Tư pháp. Trong đó, tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tập trung tham mưu về công tác thể chế và giải quyết các vấn đề pháp lý đảm bảo thực hiện Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tổ chức thi hành hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự khi được Quốc hội thông qua. Triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Tích cực tham mưu với Chính phủ trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp phức tạp trong hoạt động đầu tư quốc tế. Thúc đẩy và khai thác hiệu quả quan hệ hợp tác trên cả ba bình diện toàn cầu, khu vực và song phương, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, láng giềng và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác khác. Tập trung, nâng cao chất lượng nguồn lực bảo đảm tiến độ xây dựng, chất lượng các dự án công nghệ thông tin, đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2021-2026 và năm 2022. Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp. Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, trong thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của mình trong việc xây dựng thể chế nhà nước đã được Đảng quy định, qua đó tạo môi trường pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ được tốt hơn. Phát huy giá trị con người Việt Nam trong thực thi pháp luật, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về công tác Tư pháp; đầu tư nhân lực đầy đủ cả về số lượng và chất lượng, cùng với đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng và cơ cấu lại bộ máy để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp; tăng cường công tác cải cách hành chính cho người dân; tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong công tác cải cách và triển khai thực hiện các quy định về pháp luật…

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác