Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2022

05/04/2022 13:21

Sáng 5/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I năm 2022, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: TH

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Chỉnh phủ, trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, song với việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tình hình kinh tế - xã hội quý I của cả nước vẫn có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021. Thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục với 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm 3 tháng toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu quý I tăng 14,4%. Thị trường du lịch quốc tế chính thức được mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3, nhiều đường bay quốc tế được nối lại.

Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm phát triển; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi nhanh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phục hồi.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022-2023…

Báo cáo về công tác giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch-Đầu tư thông tin, ước đến ngày 31/3/2022, cả nước giải ngân được 61.536,08 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 61.192,76 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 343,32 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện tại, còn 29 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022…

Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng tốt các cơ hội, điều kiện thuận lợi; khắc khó khăn, vướng mắc để thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội quý II/2022.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những kết quả đạt được trong quý I/2022 là rất đáng trân trọng; đây là tiền đề, động lực để các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực vượt khó thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong quý II/2022.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, dự báo sắp tới tình hình sẽ tiếp tục có thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội . Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…

Đồng thời, tập trung triển khai tốt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; sắp xếp, rà soát lại các nguồn lực, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính hiệu quả; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tận dụng tốt thời cơ của hiệp định tự do thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác và phát triển thị trường trong nước. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng chống chịu của các ngành, lĩnh vực. Đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới; bảo đảm an toàn, thuận lợi cho du khách. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; phát triển văn hóa, giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, các ngành, địa phương phải kiểm soát được dịch bệnh, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thực hiện cải cách hành chính, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành địa phương, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tổng thể, cập nhật phục vụ chỉ đạo, điều hành. Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong lĩnh bất động sản, chứng khoán. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sinh sống, làm việc, mở rộng sản xuất kinh doanh… 

Thùy Hương

Chuyên mục khác