Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

09/05/2020 22:30

Ngày 9/5, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng các doanh nghiệp trong cả nước nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: QĐ

 

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố và trên 1.200 doanh nghiệp trong cả nước.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tác động của dịch bệnh Covid-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp để thích ứng với những đổi thay bất lợi, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra, hạn chế những thiệt hại. Theo đó, nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…  

Điều đáng mừng là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tự nguyên chung vai chia sẻ với Chính phủ, với cộng đồng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đối với công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua. Rà soát cắt giảm và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho doanh nghiệp. Loại bỏ triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Thời gian qua, các giải pháp Chính phủ ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như gia hạn nộp thuế, ưu đãi về thuế, tín dụng, hỗ trợ người lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp… được triển khai hiệu quả. Các ngành chức năng đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, biến khó khăn thành cơ hội thông qua củng cố nội lực, đặc biệt là trong chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ; nâng cao trình độ người lao động; nâng cấp chiến lược kinh doanh, tăng cường liên kết sức mạnh, tạo chuỗi giá trị mới, bền vững; củng cố và mở rộng thị trường; bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực chống đỡ trước những thay đổi bất thường của môi trường kinh doanh và nền kinh tế toàn cầu…  

Tại Hội nghị, có 23 lượt phát biểu của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các hiệp hội, ngành nghề; các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng... hiến kế cho Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Thủ tướng Chính phủ nhận định: Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực trong những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Năng lực nội sinh của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn. Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. 

Trên tinh thần đó, chúng ta phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, cần phải tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp phải hành động mạnh mẽ với quyết tâm cao trong điều kiện mới. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ, đoàn kết; cần hợp tác với nhau; không nản chí, không bỏ cuộc; cần năng động, quyết đoán; sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cần có niềm tin.

Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương phải xắn tay vào cuộc; các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển; trong lúc chúng ta gặp khó khăn tinh thần ấy càng được hun đúc- một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, một tinh thần dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân; phải có kết quả cụ thể, không nói suông, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển.

Cao Cường

 

 

 

Chuyên mục khác