Hội nghị sơ kết Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh

09/03/2022 14:07

Sáng 9/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trực tuyến Hội nghị sơ kết Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: ĐV

 

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum...

Từ năm 2018 đến nay, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài việc tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT, các nội dung tuyên truyền còn được các cơ quan, địa phương cụ thể hóa thông qua việc cung cấp thông tin các ngành nghề ở địa phương đang cần; biểu dương những tấm gương tiêu biểu tại địa phương…nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân.

Tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80% trường THCS và THPT xây dựng các nội dung giáo dục hướng nghiệp gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương có chất lượng; các trường còn lại cũng đã xây dựng nhưng việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả, do trường đóng chân trên địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn không có các doanh nhiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nên việc tổ chức tham quan, thực tế, hướng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2018-2021 số học sinh tốt nghiệp THCS vào học cấp THPT (hệ giáo dục phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên) chiếm khoảng 70%, tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và trung cấp năm học 2018-2019 là 5%; năm học 2019-2020 là 4,94%; năm học 2020-2021 là 8,1%.

Đối với học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng từ năm 2018 đến 2021 có từ 3.700 đến 4.300 học sinh, trong đó số học sinh vào học trình độ đại học chiểm trên 50%, học sinh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng chiếm khoảng 15%...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐV

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc đề nghị các đơn vị liên quan phải có sự linh động, phong phú trong công tác tuyển sinh để phù hợp với từng địa phương khác nhau; phải tìm hiểu, nhiên cứu những ngành nghề đào tạo phù hợp đặc thù với tình hình thực tế từng địa phương. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở LĐ-TB&XH; Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, UBND các huyện, thành phố khảo sát, đánh giá lại tỷ lệ việc làm, mức thu nhập của học sinh sau khi ra trường.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện hiệu quả Đề án; đẩy mạnh công tác truyền thông đến với từng học sinh và phụ huynh; phối hợp tốt với Sở LĐTB&XH, các đơn vị trường học tổ chức định hướng tương lai nghề nghiệp cho học sinh tại địa phương...

Đắc Vinh 

Chuyên mục khác