26/12/2024 07:12
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
|
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước đề ra. Dù đã đạt được nhiều kết quả, công tác này vẫn cần sự tập trung cao độ để đáp ứng yêu cầu phát triển, từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực thi.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thông tin, quán triệt tư tưởng đổi mới quy trình xây dựng pháp luật gắn với việc thi hành pháp luật.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế - xã hội. Nhiều luật và nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực thiết yếu như đầu tư, tài chính, thuế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Các văn bản này quán triệt tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật, kịp thời tháo gỡ các khó khăn về thể chế, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nghe 9 báo cáo tham luận từ đại diện các bộ, ngành, cơ quan và tổ chức liên quan. Nội dung tham luận xoay quanh kế hoạch thực thi luật, các giải pháp nâng cao hiệu lực và hiệu quả pháp luật, đồng thời trình bày các tác động thực tế từ những chính sách thí điểm tại địa phương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vì sự quan tâm và chỉ đạo sát sao. Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đồng thời giao Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến để giải quyết các “điểm nghẽn” trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng, xây dựng thể chế pháp luật là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước đề ra. Đồng thời khẳng định: "Đầu tư cho xây dựng pháp luật chính là đầu tư cho sự phát triển". Việc hoàn thiện thể chế pháp luật không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, hiện thực hóa chủ trương cải cách hành chính của Đảng vào thực tiễn.
Trên tinh thần đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xác định những tồn tại, vướng mắc trong hệ thống pháp luật để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi và xây dựng các luật trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm lớn lao của các bộ, ngành trong giai đoạn sắp tới, bao gồm: Quán triệt sâu rộng nội dung các luật mới được ban hành đến toàn dân; tổ chức hoàn thiện cơ chế thực thi luật; ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn chi tiết cho từng luật cụ thể; thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các văn bản pháp luật đã được thông qua.
Thủ tướng khẳng định, việc thực thi hiệu quả các luật và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua là nền tảng quan trọng để xây dựng một đất nước phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích toàn diện cho nhân dân.
Y Đô