Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020

28/07/2020 14:47

Sáng 28/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020 với 63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: VP

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum có đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và một số sở, ngành liên quan.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi, cập nhật tình hình phát sinh, kịp thời phân tích, đánh giá ảnh hưởng về tác động của đại dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội; trên cơ sở đó phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp hiệu quả, kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Chủ động đề xuất, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật, nhất thể hóa các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế... Vì vậy, chúng ta tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các cân đối lớn trong 6 tháng đầu năm 2020 về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững; lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp; thanh khoản hệ thống được đảm bảo. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VNĐ của tổ chức tín dụng giảm cả ở ngắn, trung và dài hạn. Chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm dần, bình quân tăng 4,19%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 đã cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, ước đạt 156 nghìn tỷ đồng. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm...

Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận, đánh giá tình hình, đề ra các giải pháp và biện pháp giải ngân đầu tư công thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư biểu dương những cố gắng của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm. Làm tốt công tác tham mưu, chủ động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất trúng, đúng, kịp thời để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ ách tắc, khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh còn kéo dài đòi hỏi sự nỗ lực chủ động, tích cực hơn nữa, trong đó, ngành phải thể hiện vai trò tiên phong đi đầu trong đổi mới, cải cách. Cần chủ động nghiên cứu đánh giá và xây dựng chính sách để cầm chịch, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm duy trì thúc đẩy nền kinh tế. Cần có giải pháp mới, xác định rõ lĩnh vực, đối tượng cần tập trung ưu tiên. Thời gian tới, chúng ta cần phải nhận diện sớm các điều kiện và cơ hội khi dịch kết thúc để nắm bắt thời cơ, thúc đẩy nền kinh tế và cần đưa ra các giải pháp phục hồi nhanh, đúng, trúng và kịp thời. Nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón nhận, thu hút đầu tư từ nước ngoài; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và có các chính sách thu hút đầu tư nhằm tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển. Sớm hoàn thiện quy hoạch địa phương, vùng, ngành bởi việc này có yếu tố vô cùng quan trọng, không có quy hoạch thì rất khó định hướng cho kế hoạch sắp tới và lâu dài, vì vậy đề nghị các địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư các địa phương chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế 6 tháng cuối năm; xây dựng kế hoạch phát triển năm 2021 và kế hoạch, định hướng giai đoạn 2021-2025. Tập trung phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu làm cơ sở xây dựng giải pháp có tính đột phá, mang tầm nhìn chiến lược mới. Chủ động tham mưu cho Chính phủ để có giải pháp phù hợp, kịp thời thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, nghiên cứu đề xuất để đơn giản hóa các thủ tục liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thúc đẩy kinh tế phát triển.

Phúc Nguyên

 

 

Chuyên mục khác