26/07/2022 05:51
|
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tại Hội nghị, thay mặt UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 7.307 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước khoảng 2.269,6 tỷ đồng; đã thu hút 15 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.362,6 tỷ đồng và có 208 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ hơn 3.934 tỷ đồng…
Hai năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) báo lỗ vẫn ở mức khá cao với 26%, trong đó 20% DN cho biết lỗ chút ít và 6% DN thua lỗ lớn.
Trước khó khăn của các DN, UBND tỉnh triển khai các chương trình, kế hoạch để hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển; tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các bộ ngành trung ương; ban hành Kế hoạch số 462/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ; thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 giúp các doanh nghiệp phục hồi phát triển sau đại dịch.
|
Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ tỉnh đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc chung của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Ngoài ra, còn có hơn 10 doanh nghiệp trao đổi trực tiếp nêu lên vướng mắc đang gặp trong quá trình triển khai đầu tư tại địa bàn. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các vấn đề như vướng mắc về thủ tục pháp lý đầu tư, cơ chế chính sách, lĩnh vực đất đai, chuyển đổi rừng, đất rừng; lĩnh vực quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; về thủ tục hành chính và tiến độ giải phóng mặt bằng chậm... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án tại địa phương; đề nghị, kiến nghị các giải pháp đối với các sở ngành, UBND tỉnh nhằm tháo gỡ để doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển.
Những vướng mắc đề xuất, kiến nghị đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương giải đáp ngay tại hội nghị. Những vấn đề cần bàn thảo, chưa trả lời tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, các huyện thành phố phối hợp với doanh nghiệp sớm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp...
|
Kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế rất trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết rất lớn của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của tỉnh. Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, đề nghị các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh tiếp thu, chắt lọc để tham mưu ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh; đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, đề nghị nhanh chóng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, các sở, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết đầu tư, bố trí đầy đủ nhân lực và vật lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư, những dự án đầu tư phải là dự án thật, loại bỏ những dự án ảo; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; tiếp tục nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ đối với Nhà nước; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh tương ứng với các cấp độ dịch bệnh trong dài hạn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, đối với cộng đồng; tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh Kon Tum trong thực hiện kế hoạch, phương án phục hồi và phát triển kinh tế đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn.
“Tôi tin tưởng với sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương cùng với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian đến, tỉnh Kon Tum quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, sớm khôi phục và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phát triển kinh tế”- đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn bày tỏ.
|
*Bà Lê Thị Hoài-đại diện Công ty Cổ phần Golden City:
Tôi vui mừng và cảm ơn UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh đã tạo điều kiện tổ chức buổi đối thoại doanh nghiệp ngày hôm nay. Đây là dịp để Công ty chúng tôi có điều kiện trình bày các khó khăn vướng mắc trong quá trình nghiên cứu đầu tư các dự án phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chúng tôi được nêu lên những thắc mắc trong quá trình triển khai mà mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của quý cơ quan trong việc tháo gỡ các khó khăn để Công ty đẩy nhanh quá trình đầu tư, đưa dự án vào khai thác, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
*Ông Hoàng Thanh Hoài- Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Kon Tum:
Trong quá trình hoạt động, một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng đều nhận thấy những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực về nộp thuế và thanh tra, kiểm toán. Đối với nộp thuế, một số hợp đồng đã hoàn thành, được chủ đầu tư nghiệm thu nhưng chưa thanh toán tại thời điểm nghiệm thu nên doanh nghiệp thường có sự chậm chễ. Trong khi đó, về nguyên tắc, khi được thanh toán chi phí thì doanh nghiệp mới có kinh phí để trích nộp thuế nhưng khi cơ quan thuế kiểm tra thấy thời gian thanh toán không trùng khớp với thời gian nghiệm thu thì phạt doanh nghiệp. Đây là vấn đề bất khả kháng đối với doanh nghiệp, bởi thời gian trích nộp thuế của các hợp đồng nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp, do đó, đề nghị cần xem xét lại việc này.
Đối với công tác kiểm toán thì cần có quy định kiểm toán nhà nước sử dụng kết quả thanh tra cấp tỉnh khi kiểm toán các công trình quy mô vừa và nhỏ. Không kiểm tra lại những nội dung đã có kết luận của cơ quan thanh tra nhằm giảm bớt nhiêu khê, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho các đơn vị doanh nghiệp…
*Ông Đoàn Quốc Anh Khôi- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum:
Thông qua Hội nghị, tôi mong các cấp lãnh đạo nắm bắt được tình hình thực tế khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để có biện pháp, giải pháp tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19. Đề nghị tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Có chính sách vay vốn ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới và tổ chức tập huấn, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Văn Phương