18/05/2025 05:58
Thảo luận các Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi);... và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ Nhất);...
Biểu quyết thông qua 3 nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
|
Tại phiên thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Phạm Đình Thanh đã gửi văn bản tham gia 4 ý kiến đề nghị bổ sung quy định các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về khoa học và công nghệ các cấp; cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu công lập và ngoài công lập; hiệp hội ngành nghề, hội khoa học và công nghệ; doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông chuyên ngành… phải có trách nhiệm phối hợp, phổ biến, lan tỏa tri thức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến cộng đồng bằng các hình thức, phương tiện phù hợp theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu, bổ sung các chính sách cụ thể giúp tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ hình thành phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao và các cơ sở nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ mới, ưu tiên phục vụ các lĩnh vực then chốt, các ngành kinh tế mũi nhọn; quan tâm về cơ chế chia sẻ lợi ích, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền khai thác kết quả nghiên cứu nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; đảm bảo các chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp thực sự vượt trội đột phá, kể cả hỗ trợ về mặt pháp lý cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn.
Về các chính sách đối với nguồn nhân lực, nội dung dự kiến quy định trong luật mới chủ yếu tập trung đến việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống… mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo nguồn, đào tạo, phát triển bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ trong nước.
Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị yêu cầu phải “Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hoá học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực” do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo luật các chính sách phù hợp, để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Việc đưa các chính sách này vào Dự án luật là cấp bách và rất thiết thực, cần phải được quy định cụ thể và triển khai thực hiện kịp thời, để xây dựng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ từ đối tượng là học sinh, sinh viên trong nước, nhằm đáp ứng bền vững cho yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cả trước mắt và lâu dài....
|
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến tán thành việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; về khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật; cơ chế cho việc áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn vào thực tiễn cuộc sống;...
Tại phiên thảo luận ở Hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 4 ý kiến đối với Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về việc bổ sung một số nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã; UBND xã và Chủ tịch UBND xã; về cơ cấu tổ chức nhân sự các ban của HĐND; về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND...
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về vấn đề phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến cơ quan nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp;...
|
|
Các ĐBQH tỉnh đã cùng 19 ĐBQH các tỉnh An Giang, Lai Châu và Hà Nam đã tiến hành 4 phiên thảo luận Tổ ĐBQH 16 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;... Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật;...
Tại các phiên làm việc này, các ĐBQH tỉnh đã phát biểu 5 lượt tham gia 18 ý kiến đối các dự án luật, nghị quyết này.
Hồ Nam