Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần làm việc thứ tư, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

13/11/2016 10:35

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, trong tuần làm việc thứ tư (từ ngày 7 - 11/11), Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 11 ý kiến tham gia với các nội dung thảo luận.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp. Ảnh QV

 

Đối với Dự án Luật thủy lợi:

Quy định về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật chưa bao quát hết các nội dung của Luật như bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến thủy lợi như hoạt động thủy điện, xây dựng công trình giao thông thủy, công trình phòng chống thiên tai. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật để bảo đảm việc quản lý được toàn diện, chặt chẽ, thống nhất, không chồng chéo với các luật đã ban hành.

Để phát triển thủy lợi, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chính sách: tổ chức, cá nhân đầu tư các công trình thủy lợi đấu nối với hệ thống dẫn nước chính ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; miễn giảm, trợ giá dịch vụ thủy lợi cho một số đối tượng ưu tiên, hoạt động ưu tiên như cấp nước sinh hoạt, tiêu thoát nước… Ngoài ra, cần rà soát một số các chính sách như: hỗ trợ chuyển giao công trình thủy lợi, hoặc chuyển giao quyền quản lý, khai thác công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư cho tổ chức, cá nhân (điểm c khoản 1); khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi theo hình thức đối tác công tư (điểm e khoản 1) cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.

Đối với các quy định về trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi (Điều 22), đề nghị cần rà soát để quy định này phù hợp với các hình thức đầu tư như: đầu tư của tư nhân, hợp tác công tư và phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động thủy lợi. Đề nghị xem xét, bổ sung quy định trách nhiệm về đánh giá hiện trạng công trình; các hạng mục cần tu bổ, sửa chữa, nâng cấp; tổ chức đánh giá thiệt hại công trình sau các rủi ro thiên tai; đánh giá hiệu quả khai thác sử dụng công trình để làm căn cứ cho việc thay đổi quy mô, mục đích sử dụng công trình thủy lợi (Điều 50); làm rõ điều kiện đối với các tổ chức khai thác công trình thủy lợi  được cơ quan quản lý thủy lợi đặt hàng để bảo đảm hiệu quả khai thác nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” để bảo đảm hiệu quả khai thác, sử dụng nước, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ về: (1) Chủ thể cung cấp dịch vụ thủy lợi được thu tiền (quy định tại Điều 23, 24, khoản 2 Điều 39); (2) Các loại hình dịch vụ thủy lợi tại khoản 2 Điều 31; bổ sung các loại dịch vụ về kiểm soát lũ cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, khu dân cư tập trung; vận chuyển ghe, thuyền qua công trình thủy lợi; tiêu thoát nước, chống úng ngập; mua bán định mức sử dụng nước... để tránh chồng chéo, hoặc bỏ sót. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần có báo cáo đánh giá sâu hơn về tác động KT-XH của quy định này và dự kiến lộ trình thực hiện việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ thủy lợi để bảo đảm tính khả thi.

Đối với dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ:

Dự thảo Luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm 19 hành vi tại Điều 5. Các hành vi đó là khá rõ ràng, đầy đủ, tuy nhiên ở một số hành vi cần nghiên cứu, bổ sung thêm, gồm: Lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lợi dụng quyền hạn để cấp giấy phép, vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ trái pháp luật, không đúng đối tượng;

Trong thời gian qua các hành vi chống người thi hành công vụ như chống đối công an, kiểm lâm đã gây thương vong cho cán bộ, chiến sỹ, việc nổ súng vào các đối tượng này có những trường hợp đã đem lại nhiều hệ lụy cho cán bộ, chiến sỹ ta do các quy định của pháp luật về nổ súng chưa được cụ thể, rõ ràng. Dự thảo Luật đã luật hóa các quy định về nổ súng tại Điều 21 là khá rõ ràng và đầy đủ. Tuy nhiên, đối với các đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe, người thi hành công vụ hoặc người khác thì cần cho phép nổ súng ngay chứ không cần phải sau khi đã cảnh báo như quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 21, bởi đây là hành vi hết sức nguy hiểm và manh động, nếu không nổ súng kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ.

Hiện nay, các điểm thu gom sắt, thép, phế liệu tại các địa phương đang tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm cao về vật liệu nổ, có thể cố ý mua cả vật liệu nổ cũng có thể vô ý mà thường là vô ý, sau khi mua mà không biết hoặc không phân biệt rõ vật liệu nổ. Trong Dự thảo cũng cần bổ sung thêm ở Chương V những quy định về trách nhiệm của chính quyền sở tại và cơ quan quân sự địa phương trong việc hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở này nhận biết, phân loại vật liệu nổ trong quá trình thu mua sắt thép, phế liệu để thu gom kịp thời, tránh những hậu quả tai hại đã từng xảy ra và sẽ xảy ra trên thực tế.

Tống Quang Vinh

Chuyên mục khác