Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần làm việc thứ 5 kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII

22/06/2015 10:03

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ chín, trong tuần làm việc thứ 5 từ ngày 15-19/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật: Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Phí, lệ phí; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Thú y.

Tại các buổi làm việc, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 15 ý kiến tham gia đối với các nội dung thảo luận: Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Phí, lệ phí.

Trong đó, đối với Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh có ý kiến: Thống nhất quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng” bởi vì, thứ nhất quy định này sẽ tháo gỡ khó khăn vướng mắc của người dân khi không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc, không biết hỏi ai, không biết kêu ai. Mà khi không biết kêu ai, hỏi ai thì tòa án là biểu tượng của công lý. Người ta đến mà tòa án còn từ chối nữa thì rõ ràng người dân sẽ rất khó tin. Thứ hai, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, người dân yêu cầu tòa án giải quyết mà chúng ta từ chối vì thiếu luật thì cũng không có cơ sở để giải thích.

Thống nhất quan điểm Kiểm sát viên tham gia phiên tòa được phát biểu cả quan điểm giải quyết vụ việc, bởi vì nó xuất phát từ vị trí, vai trò, chức năng của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công phối hợp và kiểm soát việc Kiểm sát viên tham gia phiên tòa nêu quan điểm của mình cũng thể hiện quan điểm, kiểm soát quyền lực

Về thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án, đây là một quy định rất tốt. Thực tế việc hòa giải là các bên hòa giải, việc bổ sung công nhận của tòa án chẳng qua là bổ sung hiệu lực pháp lý cho thỏa thuận đó. Để việc thi hành án có hiệu quả, có hiệu lực thi hành án khi đã có phán quyết, đã có công nhận của tòa án thì cơ quan thi hành án đã thi hành theo quy định về thi hành án. Còn nếu chúng ta không công nhận, họ không thi hành án, quay trở lại khởi kiện, như vậy việc hòa giải hoàn toàn trở nên vô nghĩa và làm cho vụ kiện kéo dài không cần thiết. Việc này góp phần bảo đảm quan hệ pháp luật, quan hệ tình làng nghĩa xóm, quan hệ xã hội trong nhân dân.

Đối với Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi): Tán thành với quy định về quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội vì quyền tự bảo vệ đó thực chất là một phần quan trọng của quyền bào chữa, đây là một phương thức tự bảo vệ đơn sơ nhất, nhưng khả thi nhất cho người dân, dù ở trình độ nhận thức pháp luật thấp nhất trước sự đối diện với điều tra viên được đào tạo bài bản về thủ pháp điều tra, dày dạn nghiệp vụ thẩm vấn. Thực hiện quyền này còn giúp giảm tối đa oan sai, nếu bỏ lọt tội phạm chỉ sai một lần thì làm oan là đã nhân đôi số lần sai vì đã bao hàm cả bỏ lọt. Việc dùng mọi biện pháp kể cả vũ lực buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội rồi lấy đó làm chứng cứ để buộc tội trước tòa. Đây là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan chấn động dư luận vừa qua.

Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, ủng hộ và đề nghị quy định rõ hơn tại Điều 174 là khi hỏi cung phải ghi âm và ghi hình. Quy định này nhằm đảm bảo quá trình hỏi cung, ghi nhận khách quan hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên, kiểm soát viên, luật sư. Là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên nếu bị nghi can vu cáo cho là bức cung, nhục hình. Bảo vệ bị can nếu việc bức cung, nhục hình là có thật. Bảo vệ luật sư nếu bị nghi ngờ là xui cho bị can chối tội

Tán thành quy định quyền đọc hồ sơ không có người bào chữa, vì những người tự bào chữa được đọc hồ sơ. Nhưng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo là cho đọc toàn bộ hồ sơ vì đối với người bào chữa là cần phải tiếp cận chứng cứ gỡ tội là điều quan trọng. Trong dự thảo mới nói là chỉ được đọc phần chứng cứ liên quan đến buộc tội, nếu như vậy thì lấy gì để bào chữa, lấy gì để tranh tụng. Vì vậy, đề nghị cho người tự bào chữa được tiếp cận toàn bộ hồ sơ trong đó có cả chứng cứ gỡ tội và buộc tội.

Đối với Luật phí, lệ phí: Về viện phí và học phí, theo dự thảo luật thì viện phí và học phí đã được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá, theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và luật giá, đây là hai khoản chi phí tác động rất mạnh đến đời sống của từng người dân, nhất là trẻ em. Do đó, mặc dù viện phí và học phí thuộc nhóm hoạt động dịch vụ do nhà nước định giá, nhưng đề nghị Quốc hội cũng như Chính phủ cần quy định lộ trình, cơ chế quản lý và chính sách học phí cho các trường công lập, chính sách miễn giảm cụ thể để viện phí, học phí không trở thành gánh nặng đối với gia đình người nghèo, gia đình chính sách, người có thu nhập thấp…

Về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí: quy định như dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu minh bạch, công khai về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí. Do phí là một khoản thu thuộc ngân sách nhà nước nên việc quy định cơ quan thu được để lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ thu phí, phần còn lại mới nộp vào ngân sách nhà nước là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 55, Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, Để đảm bảo sự minh bạch trong việc thực hiện chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí   đề nghị quy định theo hướng toàn bộ các khoản phí được nộp 100% vào ngân sách nhà nước. Các khoản chi cho tổ chức thu phí sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và bố trí trong dự toán chi của các đơn vị.

Về danh mục phí và lệ phí, đề nghị đưa tiền dịch vụ môi trường rừng vào danh mục phí và lệ phí vì mục đích thu, chi loại phí này đều nhằm trang trải chi phí cung cấp dịch vụ.

Trong thời gian làm việc của tuần này, để có thêm thông tin giúp các vị ĐBQH, cử tri cả nước và các cơ quan nhà nước có chức năng ban hành chủ trương, chính sách khuyến khích trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đối với mắc ca, Báo Đại biểu Nhân dân đã thực hiện loạt bài viết, phỏng vấn về dự án trồng 200.000ha mắc ca tại các tỉnh Tây Nguyên. Liên quan vấn đề này đại biểu Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân về thực tế triển khai trồng cây mắc ca tại tỉnh Kon Tum, quan điểm của tỉnh về chủ trương trồng cây mắc ca.

Quang Vinh

Chuyên mục khác