24/05/2015 15:47
Trong những ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp (từ 20-23/5), tại các buối thảo luận, các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum có 19 ý kiến tham gia đối với các nội dung được đưa ra thảo luận.
|
Đối với dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi): Thống nhất về việc chưa quy định các nội dung về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý kiến xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chủ trương chính sách của Đảng trong sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần này; Đề nghị xem xét kỹ vấn đề quy định trong dự thảo luật về Ban công tác mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, phum sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư; về đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc đề nghị nên quy định rõ các tổ chức, đơn vị cần thiết để giám sát, nhằm đảm bảo góp phần phát triển kinh tế, xã hội chứ không phải là tất cả các tổ chức, đơn vị; về hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc đề nghị cần bổ sung thêm quyền đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan tổ chức nếu cơ quan này không xem xét giải quyết hoặc xem xét giải quyết không đến nơi đến chốn các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc.
Đối với Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Thống nhất đề nghị của Chính phủ điều chỉnh Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND: Thực tiễn thi hành quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND đã bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập như hiệu lực các kiến nghị giám sát chưa cao, chưa có biện pháp hữu hiệu để theo dõi, kiểm tra việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Vì vậy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, dự thảo luật cần quy định chi tiết hơn cách thức tiến hành nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện quyền giám sát của ĐBQH; bổ sung các quy định để cụ thể hóa trình tự xem xét, thông qua chương trình giám sát của HĐND, trong đó quy định về việc gửi kiến nghị nội dung giám sát, lập dự kiến nội dung, chương trình giám sát, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình giám sát; quy định cụ thể hơn về việc tổ chức chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND; quy định việc HĐND ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn, đồng thời bổ sung trách nhiệm của người được chất vấn trong việc báo cáo với HĐND về việc thực hiện những vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước.
Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Đề nghị bổ sung thêm chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cá nhân có thẩm quyền; giữ nguyên thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện và cấp xã; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với kết quả phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phản biện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật; hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành theo trình tự rút gọn "kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành"; đề nghị quy định tỷ lệ bao nhiêu phần trăm biểu quyết thông qua thì văn bản quy phạm pháp luật được thông qua.
Đối với Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi): Với điều kiện về kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội, hệ thống pháp luật và đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp của nước ta hiện nay thì nên chưa quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án chỉ nên quy định với các trường hợp phức tạp, có giá trị lớn tranh chấp như bất động sản.
Quang Vinh