Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV từ ngày 6-10/11

10/11/2017 18:12

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, trong 5 ngày (từ ngày 6 - 10/11), tại các phiên họp, thảo luận tại hội trường và ở tổ, các ĐBQH tỉnh Kon Tum đã có 5 lượt phát biểu với 13 ý kiến đối với các nội dung thảo luận.

Đối với Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Theo báo cáo có 19 trường hợp tòa cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội do có sự thay đổi về chính sách pháp luật hình sự của nhà nước; tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lại cho thấy có 20 trường hợp tòa phúc thẩm tuyên không phạm tội, trong đó có 19 trường hợp giống như báo cáo của Tòa án. Như vậy, còn một bị cáo nữa không biết như thế nào, ở đây có phải có oan không? Đề nghị làm rõ.

Việc giải quyết xét xử các vụ việc dân sự trong năm qua còn tồn tại 489 bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự, vì vậy đề nghị có giải pháp để khắc phục tồn tại này. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới ngành Tòa án cần tập trung tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kiểm tra giám sát nhằm ngăn ngừa hiện tượng nhũng nhiễu đương sự bị cáo như dư luận và các phương tiện truyền thông đã phản ánh trong thời gian qua.

Đối với dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Về thời hiệu tố cáo, thống nhất phương án thời hiệu tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là 5 năm, kể từ ngày có hành vi vi phạm; thời hiệu tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước là 3 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm, tuy nhiên đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ căn cứ để lấy thời hiệu thực hiện nhiệm vụ, công vụ là 5 năm và quản lý nhà nước là 3 năm.

Đại biểu Tô Văn Tám thảo luận Luật Tố cáo

 

Về “điểm dừng” trong giải quyết tố cáo, nhất trí với việc bổ sung quy định điểm dừng trong giải quyết tố cáo như dự thảo Luật (các điều 13, 20, 36) nhằm khắc phục tình trạng tố cáo đã được các cơ quan, người có thẩm quyền cao nhất theo quy định của pháp luật giải quyết nhưng người tố cáo vẫn tiếp tục tố cáo kéo dài. Tuy nhiên, để tránh người tố cáo tiếp tục tố cáo kéo dài đề nghị bổ sung quy định người tố cáo được khởi kiện ra tòa án khi không thống nhất với kết quả giải quyết của các cơ quan, người có thẩm quyền cao nhất.  

Về khái niệm tố cáo, tán thành với việc sửa đổi giải thích về tố cáo như thể hiện tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật theo hướng nêu rõ đây là việc của cá nhân (thay vì của công dân như Luật hiện hành) và xác định cụ thể 2 loại tố cáo là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Nhưng đề nghị mở rộng thêm đối tượng là cá nhân là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Đối với dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020

Tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án vì đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về hình thức đầu tư, Dự án có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 08 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT như rà soát lại tuyến của các dự án thành phần xem có trùng với các tuyến đường hiện nay người dân đang sử dụng, để tránh tình trạng khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng thì người dân bắt buộc phải sử dụng các tuyến đường BOT khi tham gia giao thông.

Về nguồn vốn, theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia, trong đó bố trí cho dự án này là 55.000 tỷ đồng cho Dự án này và 15.000 tỷ đồng còn lại sẽ trình Quốc hội phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Vì vậy, song song với việc đầu tư dự án này, đề nghị bố trí một phần vốn trong tổng số 15.000 tỷ đồng còn lại để đầu tư các tuyến đường kết nối khu vực Bắc Tây Nguyên với các tỉnh Nam Lào và thành phố Đà Nẵng để góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cho các tỉnh Bắc Tây Nguyên.

Tống Quang Vinh

Chuyên mục khác