Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV từ ngày 23 đến ngày 27/10

28/10/2017 10:05

Tại các phiên làm việc tại hội trường và ở tổ theo nội dung, chương trình làm việc của tuần thứ nhất kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum có 3 lượt phát biểu với 10 ý kiến tham gia như sau:

Đối với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính -ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020; những kết quả đạt được là khá tích cực nhưng việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, vì vậy đề nghị Chính phủ báo báo rõ thêm về nguyên nhân của những tồn tại này.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp bước đầu đem lại kết quả tích cực về tích tụ ruộng đất, chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường…; xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả khả quan, một số mô hình, điển hình về hợp tác sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả; tuy nhiên, việc hình thành các mô hình sản xuất, mô hình quản lý trong nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị phân phối theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Đề nghị cần phải chú ý đến tính hiệu quả, khả thi của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tránh thực hiện theo phong trào dẫn đến hiệu quả không cao và không bền vững.

Công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên đã có những chuyển biến mạnh sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thủ tướng Chính phủ về dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác; không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp…. Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng gặpkhó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Quốc phòng An ninh trên địa bàn do có một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp không triển khai được. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý linh hoạt nội dung này để đảm bảo hài hòa giữa nhiệm vụ quản lý, bảo vệ phát triển rừng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên.

Công tác cải cách bộ máy hành chính chưa hiệu quả, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, đội ngũ công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách lớn làm gánh nặng cho ngân sách và khó cải thiện thu nhập cho những người hưởng lương từ ngân sách. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này.

Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi thảo luận ở Tổ về KT-XH và ngân sách nhà nước

 

Đối với dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), về tên gọi của Luật: Qua hơn 13 năm thực thi Luật, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay tỷ lệ che phủ rừng nước ta đã không ngừng nâng cao và đạt trên 41% là ở mức cao của thế giới. Lâm nghiệp Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật với sản lượng gỗ rừng trồng đạt 17,3 triệu m3 (2016), xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tới trên 100 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch từ 2,8 tỷ USD (2008) lên 7,3 tỷ USD (2016) đã đưa nước ta trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các mặt hàng này. Trong điều kiện khi độ che phủ rừng được nâng cao, phát triển rừng đang đi vào bền vững, lâm nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế thì cần tạo cơ sở pháp lý cho ngành lâm nghiệp, phạm vi điều chỉnh cần bổ sung cho toàn ngành lâm nghiệp chứ không chỉ rừng. Các nội dung của dự thảo luật đã bao quát cả việc bảo vệ phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến thương mại lâm sản,  đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo chuỗi giá trị để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X là: “...Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường cho du lịch sinh thái…”. Vì vậy, việc lấy tên của luật là Luật Lâm nghiệp là phù hợp.

Về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng: Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình và cá nhân được nhà nước giao đất cho thuê đất để trồng rừng  đã được quy định cụ thể tại Điều 89, 90 dự thảo. Nhưng có vấn đề thực tế đặt ra là vốn để trồng rừng đối với người dân là rất khó khăn. Qua thực tế khảo sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho thấy phần lớn các hộ được giao đất lâm nghiệp hay được nhà nước cho thuê đất để trồng rừng đều không có vốn để trồng nên diện tích đất lâm nghiệp được giao từ lâu nhưng đến nay vẫn còn để trống. Người dân có nguyện vọng là được nhà nước có nhiều dự án trồng rừng để họ có cơ hội được tham gia. Vì vậy, đề nghị ngoài sự hỗ trợ của nhà nước thì Điều 89, Điều 90 cần có quy định có cơ chế để hộ gia đình, cá nhân được liên kết với cá nhân và tổ chức nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam định cư ở nước ngoài để tranh thủ nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính cho việc trồng rừng.

Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là tổ chức khoa học và công nghệ đào tạo dạy nghề về lâm nghiệp được giao rừng nghiên cứu khoa học, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng quốc gia:

Thực tế hiện nay, Hoạt động nghiên cứu khoa học, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng quốc gia của các chủ rừng là tổ chức khoa học và công nghệ đào tạo dạy nghề về lâm nghiệp rất cần có sự hợp tác quốc tế để tranh thủ thành tựu khoa học, công nghệ, kinh nghiệm đào tạo dạy nghề và nguồn tài chính, nhưng các quyền quy định tại điều này chưa thấy quyền được thực hiện việc hoạt động hợp tác quốc tế; Trong khi đó,  chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 104 quy định rằng khuyến khích các tổ chức, cá nhân người Việt Nam hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc bảo vệ và phát triển rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về bảo vệ phát triển rừng, đây là chính sách đúng và cần thiết; Những tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ hợp tác đầu tư hỗ trợ chuyển giao ra sao khi chủ rừng là cá nhân và tổ chức trong nước không được trao quyền hợp tác. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 89, Điều 90 quyền nghĩa vụ của gia đình và cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng, quyền được hợp tác với cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong hoạt động trồng rừng. Bổ sung vào Điều 93 chủ rừng là tổ chức khoa học và công nghệ đào tạo dạy nghề về lâm nghiệp được giao rừng nghiên cứu khoa học, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng quốc gia quyền được thực hiện hợp tác quốc tế với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong phạm vi hoạt động của mình.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, về kinh phí hoạt động thường xuyên cho Bộ Ngoại giao để phân bổ cho cơ quan đại diện: thống nhất với quy định tại dự thảo Luật để tạo sự chủ động và xử lý kịp thời trong quá trình triển khai các hoạt động cụ thể mang tính đặc thù của lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại; đề nghị bổ sung quy định giao trách nhiệm cho các Bộ quản lý trong việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại tại nước ngoài, đồng thời báo cáo Bộ Ngoại giao để theo dõi chung. Các đại diện ba lĩnh vực này ở nước ngoài phải báo cáo định kỳ việc sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên được phân bổvới CQĐD để tổng hợp vào kết quả sử dụng kinh phíhoạt động chung trên địa bàn của CQĐD theo quy định.

Về tuổi bổ nhiệm Đại sứ, đề nghị quy định Đại sứ phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác và không quy định trường hợp đặc biệt như tại dự thảo Luật vì Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là cán bộ, công chức do đó phải tuân thủ quy định của Luật Cán bộ, công chức và Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu.

Về chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện: Đề nghị không quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đi lại trong trường hợp cha, mẹ của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng, con của thành viên cơ quan đại diện chết, vì phụ cấp ngoại giao dành cho các thành viên đã bao gồm các chi phí này.

Tống Quang Vinh

Chuyên mục khác