Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV từ ngày 13-18/11

19/11/2017 06:04

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, trong 6 ngày (từ ngày 13-18/11), tại các phiên họp, thảo luận tại hội trường và ở tổ, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã có 7 lượt phát biểu với 20 ý kiến tham gia đối với các nội dung thảo luận.

Về công tác giám sát: các đại biểu trong Đoàn đã chất vấn trực tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Ngân hàng nhà nước; về các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục thế chấp tài sản trong quá trình vay vốn của người dân và doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp.

Đối với dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi): thứ nhất, thống nhất quy định Hội đồng quốc phòng và an ninh có cơ quan thường trực giúp việc, theo hướng “Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc phòng và an ninh; thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cơ quan thường trực do Hội đồng quốc phòng và an ninh quy định”, vì theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Bộ Quốc phòng có chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự; giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quốc phòng; tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm thẩm định của cơ quan quân sự, công an các cấp đối với từng loại dự án mà không phải chỉ có tham gia, phối hợp; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân, nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian vừa qua; làm rõ nội hàm của sự kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và những điều kiện, nguyên tắc cơ bản của sự kết hợp để bảo đảm tính khả thi của điều luật.

Thứ ba, về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng, nhất trí như dự thảo Luật và nhận thấy nội dung khoản 2 dự thảo Luật phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia, khoản 1 Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, khoản 5 Luật Công an nhân dân năm 2014, đồng thời phù hợp với thực tiễn là Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Công an nhân dân và các lực lượng chức năng khác hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh khu vực biên giới.

Đại biểu Lê Chiêm thay mặt cơ quan soạn thảo báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung của Luật Quốc phòng (sửa đổi) tại buổi thảo luận ở tổ

 

Đối với dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt: Đề nghị Chính phủ làm rõ hơn một số nội dung như các địa bàn dự kiến thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế, đây đều là những nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, do đó, đề nghị làm rõ vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và tác động của tình hình an ninh chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này. Bên cạnh đó, việc phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt   dự kiến sẽ gắn với các dự án quy mô lớn, vì vậy cần đánh giá về tác động đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên biển đảo và rừng phòng hộ ở các khu vực này.

Đối với dự án Luật Bí mật nhà nước: Về phân loại bí mật nhà nước; phạm vi bí mật nhà nước: việc phân loại bí mật nhà nước theo 03 cấp độ như dự thảo Luật; tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu đánh giá hiệu quả việc áp dụng các quy định này của Pháp lệnh hiện hành để xây dựng dự thảo bảo đảm tính khả thi cao khi Luật có hiệu lực; đề nghị quy định cụ thể hơn về phạm vi bí mật nhà nước, làm rõ nội hàm “cần giữ bí mật tại các khoản của Điều 9.

Về thẩm quyền sao, chụp bí mật nhà nước: Theo quy định của dự thảo luật thì thẩm quyền các cơ quan, tổ chức được quyền sao, chụp bí mật nhà nước là quá rộng, vì vậy đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng quy định cụ thể từng loại cơ quan nào được sao, chụp bí mật nhà nước theo từng cấp bộ mật, tối mật, tuyệt mật.

Về thẩm quyền phê duyệt cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước: Đề nghị quy định theo hướng phân theo 2 kênh là bí mật nhà nước thuộc cơ quan Đảng và bí mật nhà nước thuộc cơ quan nhà nước.

Đối với dự án Luật Đo đạc và bản đồ: Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ thêm tính đầy đủ các quy định tại 06 điều (từ Điều 40 đến Điều 45) tại mục 2 chương VI về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; về sự cần thiết quy định Ủy ban quốc gia giúp Chính phủ điều hành hạ tầng dữ liệu không gian địa lý trong luật.

Về Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ: Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ quy định việc các cá nhân đã có chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình (theo quy định của Luật Xây dựng) khi hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ khác thì cần phải có thêm chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; cá nhân đã có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ thì không nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình khi thực hiện khảo sát địa hình theo quy định của Luật Xây dựng.

Về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm: Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ vấn đề về tình hình ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình ngầm đô thị mà không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở dữ liệu và bản đồ công trình ngầm phục vụ mục đích dân dụng trong thời gian qua.

Tống Quang Vinh

Chuyên mục khác