Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum trong tuần đầu tiên kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

29/05/2017 09:55

Từ ngày 22 - 26/5, trong các phiên làm việc tại hội trường và ở tổ theo nội dung, chương trình làm việc của tuần thứ nhất kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum có 5 lượt phát biểu với 15 ý kiến tham gia.
Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên họp ở hội trường

 

Các vị ĐBQH tỉnh Kon Tum ý kiến cụ thể như sau:

Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017:

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, các cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan có giải pháp khắc phục những hạn chế đã tồn tại trong thời gian qua nhưng chậm được khắc phục như: Chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để, có trường hợp nợ nhiều năm chưa được ban hành (tính đến ngày 31/3/2017, tổng số văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn nợ 25 văn bản); Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành tổng kết công tác Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở nước ta, trong đó có tổng kết lý luận và thực tiễn của mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, vì vậy, đề nghị không bổ sung vào chương trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tránh khi ban hành luật rồi lại phải sửa, đổi bổ sung những nội dung chưa tuân thủ theo kết luận tổng kết của Trung ương; Thống nhất bổ sung vào chương trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), vì hiện nay đã có kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đến nay dự án Luật này đã được chỉnh lý, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.

Đối với Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018:

Đề nghị chọn 2 trong 4 chuyên đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chính phủ đó là:  (1)Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (2) Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý (điều 7), dự thảo chỉ quy định, miễn giảm phí tư vấn, phí sử dụng dịch vụ tư vấn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất và chế biến. Như vậy, sẽ không có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực khi tiếp nhận hỗ trợ này. Vì vậy, để tránh tình trạng đó, đề nghị quy định lại nội dung này như sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, được miễn giảm phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên; Bổ sung vào khoản 2 điều 7 theo hướng bộ, cơ quan ngang bộ nào xây dựng mạng lưới tổ chức tư vấn viên thì bộ, cơ quan ngang bộ đó quy định cụ thể vấn đề miễn giảm phí tư vấn, để đảm bảo tính khả thi của nội dung này.

 Về các quỹ hỗ trợ, trong dự thảo luật quy định có 3 loại quỹ là quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư khởi nghiệp và quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy đề nghị cần cân nhắc, xem xét,  làm rõ thêm việc quy định 3 quỹ có nhiều quá không vì khi lập một quỹ thì lại thêm những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động của quỹ đó; Đề nghị quy định rõ những vấn đề liên quan đến quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo như là chủ thể thành lập, vấn đề quản lý và hoạt động có vì mục tiêu lợi nhuận hay không vì mục tiêu lợi nhuận; quỹ đầu tư khởi nghiệp ở đây là một loại quỹ hay 2 loại quỹ, chính quyền cấp tỉnh tham gia vào quỹ khởi nghiệp sáng tạo là tham gia vào quỹ quy định ở khoản 2 điều 18, hay quỹ nào;   

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị bổ sung thêm hành vi lợi dụng việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trục lợi.

Về trách nhiệm Hội đồng nhân dân, đề nghị xem lại các quy định  tại  Điểm a, Khoản 1, Điều 25 cho phù hợp với các điều, khoản khác của dự thảo luật.

Đối với dự án Luật Quy hoạch:

Để ngăn ngừa tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm có thể xảy ra, đề nghị xem xét bổ sung mục tiêu của hoạt động quy hoạch đó là hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Quy trình điều tra, khảo sát, tổng hợp, lấy ý kiến thẩm định các dự án quy hoạch khác nhiều so với quy trình của dự án đầu tư thông thường được quy định theo Luật đầu tư công, vì vậy để hạn chế vướng mắc này có thể xảy ra đề nghị tiếp tục giữ quy định như hiện hành, đó là sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để thực hiện các dự án quy hoạch; Đề nghị bổ sung quy định thêm về phản biện khoa học và giao nhiệm vụ  tổ chức phản biện khoa học cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Liên hiệp các hội khoa học hoặc cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư .

Tống Quang Vinh

Chuyên mục khác