Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong tuần cuối của Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV

16/06/2022 16:34

Trong tuần làm việc cuối (từ ngày 13 - 16/6) của Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại biểu Quốc hội cả nước đã tham gia 8 Phiên làm việc ở Hội trường để thảo luận cho ý kiến đối với 6 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Thanh tra (sửa đổi).
Phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 16/6/2022. Ảnh: HN

 

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động và 13 nghị quyết: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020;...

Trong đó, Luật Cảnh sát cơ động được ban hành nhằm tiếp tục thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Luật gồm 5 chương và 33 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với Cảnh sát cơ động.

Luật Thi đua, khen thưởng được sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Luật gồm 8 chương, 96 điều (giảm 7 điều so với Luật hiện hành) và các quy định được thể hiện ở 8 nhóm với những điểm mới chủ yếu: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được; đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến); chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng...

Tại các phiên thảo luận ở Hội trường của Quốc hội đối với các dự án luật cho ý kiến, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 5 ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước đã gửi văn bản tham gia ý kiến đối với dự án luật này.

Hồ Nam

Chuyên mục khác