HĐND tỉnh tiếp tục giám sát tại huyện Ngọc Hồi

31/05/2022 17:16

Trong 2 ngày (30-31/5), Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh do đồng chí Blong Tiến- Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát chuyên đề tại huyện Ngọc Hồi.
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Ngọc Hồi. Ảnh: TL

 

Theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Hồi, toàn huyện có 3 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tuyến huyện, 8 cơ sở KCB tuyến xã; tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2019 đạt 76,8% dân số, năm 2020 đạt 77,1%; năm 2021 đạt 74,8% và 3 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này mới đạt 66,4%% dân số toàn huyện. Nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước cấp thẻ BHYT gồm: người DTTS thuộc hộ gia đình nghèo, người DTTS đang sinh sống tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn được cấp thẻ BHYT năm 2019 có 11.886 người, năm 2020 có 11.932 người, năm 2021 có 11.341 người và quý I/2022 có 6.297 người. Nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT gồm: người DTTS thuộc hộ gia đình cận nghèo, người DTTS thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều năm 2019 có 542 người, năm 2020 có 916 người, năm 2021 có 1.025 người và quý I/2022 có 703 người.

Tuy vậy, sai sót thông tin của đối tượng tham gia thẻ BHYT còn nhiều; việc tổ chức cấp phát thẻ BHYT cho đối tượng đôi lúc chưa kịp thời; việc tổng hợp, rà soát danh sách đề nghị điều chỉnh, bổ sung đối tượng bị bỏ sót còn chậm. Nguyên nhân là do công tác kiểm tra, xác định thông tin cá nhân của đối tượng chưa chặt chẽ dẫn đến sai sót.

Từ năm 2016-2021, huyện đã triển khai 8 mô hình ứng dụng chuyển giao KH&CN từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN được phân cấp; thực hiện 37 mô hình ứng dụng các cây con giống mới, các quy trình, cách thức sản xuất tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế dịch bệnh.

Tuy vậy, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN cấp huyện chỉ mới triển khai thực hiện ở một số lĩnh vực, trong đó chủ yếu là nông nghiệp và công nghệ thông tin; quy mô ứng dụng KH&CN vào sản xuất còn nhỏ lẻ; việc phổ biến các thông tin khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất cũng còn hạn chế; việc ứng dụng tin học phục vụ quản lý và sản xuất kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do việc tiếp cận những thông tin mới về KH&CN còn hạn chế; người dân chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đời sống và sản xuất; kinh phí đầu tư từ ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện, tổng số người cao tuổi (NCT) trên địa bàn huyện là 2.647 người; trong đó NCT đang hưởng trợ cấp xã hội có thẻ BHYT có 641 người (gồm: 187 người người có công và 426 người hưởng chính sách bảo trợ xã hội). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 370 người 80 tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; 100% NCT cô đơn, thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng được nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng; có 83 NCT từ 90 tuổi trở lên được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu, hỗ trợ 200.000đồng/người/tháng đến hết đời. Đến nay, đảm bảo 100% NCT thuộc diện cấp thẻ BHYT đều có thẻ BHYT; có 693 NCT được khám sức khỏe định kỳ và lập sổ theo dõi sức khỏe; có 230 người đang tham gia công tác xã hội từ thôn trở lên như chi bộ, Mặt trận, đoàn thể, trưởng phó thôn, tổ dân phố; bình quân hằng năm có khoảng 225 NCT được tổ chức tặng quà, mừng thọ.

Hiện nay, đời sống của một bộ phận NCT, nhất là NCT cô đơn, không nơi nương tựa còn gặp nhiều khó khăn; việc theo dõi, quản lý, rà soát, bổ sung, điều chỉnh đối tượng đối với người cao tuổi có lúc, có nơi chưa được kịp thời; NCT gặp khó khăn để tiếp cận các dịch vụ y tế khi ốm đau bệnh tật, đặc biệt là NCT nghèo, NCT ở xa trạm y tế, Trung tâm Y tế huyện... Nguyên nhân là một số ban, ngành, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự quan tâm chăm lo và tạo điều kiện tốt nhất cho NCT.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hồi, đồng chí Blong Tiến chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được cũng như những tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại trong việc sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN; trong công tác cấp thẻ BHYT, chăm sóc sức khỏe cho người DTTS; công tác của Hội NCT.

Qua đó, đồng chí đề nghị UBND huyện chỉ đạo các bộ phận chuyên môn rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện các mô hình, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để triển khai thời gian tới; hằng năm, thực hiện tốt công tác định hướng, xác định nhiệm vụ KH&CN ưu tiên, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương căn cứ kế hoạch phát triển KT-XH và tình hình thực tế đề xuất những nhiệm vụ KH&CN thiết thực, hiệu quả; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm tình hình thực hiện các mô hình ứng dụng, chuyển giao; căn cứ tình hình thực tế tiếp tục có giải pháp mở rộng ứng dụng các mô hình có hiệu quả cao. Huyện cần hạn chế việc sử dụng kinh phí KH&CN để triển khai các mô hình ứng dụng mang tính chất hỗ trợ; nghiên cứu, đánh giá kết quả các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đã nghiệm thu, ứng dụng những nhiệm vụ phù hợp với điều kiện của huyện.

Về phát triển thẻ BHYT, đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia mua BHYT. Đồng thời, đề nghị UBND huyện triển khai mở rộng đối tượng mua thẻ BHYT; chỉ đạo các trạm y tế phát huy cơ sỏ vật chất và trang thiết bị đã được đầu tư để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan rà soát lại thông tin về KCB; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác KCB...

Về kiến nghị của UBND huyện đối với cấp tỉnh, Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp và sẽ trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền.

Trước khi làm việc với UBND huyện Ngọc Hồi, Đoàn giám sát tiến hành giám sát trực tiếp tại xã Sa Loong và xã Đăk Dục; khảo sát mô hình ứng dụng KH&CN tại các xã Pờ Y, Đăk Ang và Đăk Xú.

Tài Lương

 

              

Chuyên mục khác