HĐND tỉnh tiếp tục giám sát tại huyện Đăk Hà

26/05/2022 19:15

Trong 2 ngày (25-26/5), Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh do đồng chí Blong Tiến - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn tiếp tục tiến hành giám sát tại huyện Đăk Hà.
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Đăk Hà. Ảnh: TL

 

Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Hà, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2019 đạt 94,58% dân số; năm 2020 đạt 95,5%; năm 2021 đạt 93,5% và đến hết 28/2/2022 tỷ lệ này đạt 91,39% dân số toàn huyện. Tổng số lượt người khám chữa bệnh BHYT năm 2019 là 24.778 lượt; năm 2020 là 34.057 lượt; năm 2021 là 25.261 lượt; 2 tháng đầu năm 2022 là 2.786 lượt. Từ năm 2019 đến nay, không có tình trạng cấp trùng thẻ BHYT do đã rà soát và xử lý kịp thời. Người DTTS được ngân sách nhà nước đóng BHYT và hỗ trợ đóng BHYT năm 2019 đạt tỷ lệ là 26,63%; năm 2020 đạt tỷ lệ là 37,92%; năm 2021 đạt tỷ lệ là 37,03% và đến tháng 3/2022 đạt tỷ lệ là 32,63% so với dân số toàn huyện…

Tuy vậy, theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ số đối tượng không được cấp thẻ BHYT chưa tham gia lại hoặc chưa mua mới BHYT không nhiều; công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội  (BHXH), BHYT ở một số đơn vị, địa phương chưa được thường xuyên; công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT giữa các cơ quan, ban, ngành chưa được chú trọng; một số người, nhất là người DTTS ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện không có ảnh, giấy tờ tùy thân… đã làm các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) gặp khó khăn trong công tác kiểm soát thủ tục KCB; tình trạng mượn thẻ BHYT để đi KCB vẫn còn xảy ra.

Nguyên nhân chính là do một số các cơ quan, đơn vị thiếu chủ động, chưa sâu sát, chưa quan tâm đến việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHXH, BHYT; chưa có giải pháp thực sự hiệu quả trong việc tuyên truyền đến với mọi người dân, nhất là người DTTS vùng sâu, vùng xa; người dân vẫn ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn.

Từ năm 2016-2021, huyện Đăk Hà triển khai 6 dự án thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh và cấp bộ. Trong đó có 3 dự án đã nghiệm thu, gồm: Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng tái canh cà phê; dự án nghiên cứu lựa chọn đối tượng và cơ cấu cây trồng hàng năm thích hợp với điều kiện hạn hán và vùng có nguy cơ thiếu nước ở các vùng sinh thái; dự án ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất các chế phẩm vi sinh vật đa chức năng để xử lý phế phẩm nông nghiệp làm phân bón. Có 3 dự án, gồm: Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trắm đen trong ao và lồng; dự án mô hình thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong ao đất; dự án ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ trà trái nhàu. Việc triển khai áp dụng các giống mới, kỹ thuật mới trong quá trình sản xuất đều được người dân nhiệt tình tham gia, có trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

Tuy vậy, người dân còn lúng túng trong quy trình chăm sóc hoặc gặp khó khăn về kinh tế khi đối ứng kinh phí để thực hiện các mô hình chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện, đến hết năm 2021, toàn huyện có 6.194 người cao tuổi (NCT), chiếm 7,88 dân số, trong đó có 5.369 người tham gia sinh hoạt Hội; có 649 người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội... Đến nay, trên địa bàn huyện có 13 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau với 620 thành viên tham gia. Việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCT trên địa bàn huyện đảm bảo đúng theo quy định. Hằng năm, các trạm y tế xã, thị trấn tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe NCT; tổ chức KCB cho những NCT mắc bệnh không đến được cơ sở y tế, NCT bị khuyết tật. Huyện làm tốt công tác chúc thọ, mừng thọ NCT.

Tuy vậy, các trạm y tế cấp xã thiếu nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm về khám, chữa bệnh lão khoa, kinh phí để thực hiện công tác phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng đồng còn hạn chế, việc triển khai xác lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp đôi lúc chưa kịp thời. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn; thông tin trong hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân không trùng khớp các thông tin cá nhân nên chưa làm kịp chế độ theo quy định. Mặt khác, một số người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa thực sự quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đăk Hà, đồng chí Blong Tiến chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trong công tác cấp, phát thẻ BHYT, chăm sóc sức khỏe cho người DTTS, trong việc sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN và công tác của Hội NCT.

Qua đó, đồng chí Blong Tiến đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa của việc tham gia mua BHYT, đồng thời làm việc với các xã, thị trấn để phát triển, mở rộng độ bao phủ BHYT của huyện; nghiên cứu, thực hiện xã hội hóa để cấp thẻ cho người dân; chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã phát huy cơ sở vật chất đã được đầu tư để nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác KCB cho nhân dân...

Đối với nhiệm vụ KH&CN, đồng chí cho rằng những kết quả phát triển KH&CN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Vì vậy, đồng chí đề nghị UBND huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động phát triển KH&CN; phối hợp với các ngành của tỉnh nghiên cứu, đánh giá kết quả các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đã nghiệm thu, ứng dụng những mô hình phù hợp với điều kiện của huyện; chỉ đạo các đơn vị, địa phương căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và tình hình thực tế đề xuất những nhiệm vụ thiết thực, hiệu quả; tiếp tục có giải pháp mở rộng ứng dụng các mô hình có hiệu quả cao, nhất là các mô hình thuộc lĩnh vực thế mạnh trong sản xuất của địa phương như lúa, các loại rau quả có năng suất cao, được thị trường ưa chuộng, mô hình dùng chế phẩm vi sinh để xử lý phế phẩm làm phân bón…; hạn chế việc sử dụng kinh phí KH&CN để triển khai các mô hình ứng dụng mang tính chất hỗ trợ, nhất là hỗ trợ thiết bị kĩ thuật, thực hiện các mô hình ứng dụng, chuyển giao hằng năm phù hợp với khả năng; chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường phối hợp theo dõi, nắm tình hình các hộ dân trên địa bàn quản lý tham gia các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để thông tin cho cơ quan chủ trì cũng như Sở KH&CN biết, có hướng giải quyết kịp thời, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ KH&CN.

Về kiến nghị của UBND huyện đối với cấp tỉnh, Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp và sẽ trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền.

Tài Lương

Chuyên mục khác