HĐND tỉnh giám sát ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển dược liệu

01/11/2021 20:35

Chiều 1/11, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thế Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND ngày 11/12/2017, Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND (Nghị quyết 64); Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh về Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 09).
 
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TL      

 

Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Nghe Minh Hồng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Y tế; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) và đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát nghe đại diện lãnh đạo các sở: NN&PTNN, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 64, Nghị quyết số 09 và ý kiến của các đồng chí trong Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh.

Báo cáo của các sở tại buổi làm việc cho thấy, việc ban hành Nghị quyết 64 và Nghị quyết số 09 đã tạo ra sự phấn khởi trong nhân dân, nhất là người dân ở các vùng trồng dược liệu, vùng NNUDCNC. Các cơ quan, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện các nghị quyết này.

Đối với Nghị quyết 64: Đến nay, có 2 vùng NNUDCNC tại huyện Kon Plông (1.003ha) và huyện Đăk Hà (1.939ha) đã được công nhận. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi đã được ứng dụng vào sản xuất. Các mô hình sản xuất NNUDCNC đã mang lại kết quả khả quan; lợi nhuận trong sản xuất NNUDCNC mang lại kết quả cao từ 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống... Theo đó, tổng giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản ứng dụng công nghệ cao tính đến năm 2020 đạt 583,312 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), chiếm tỷ trọng 17,16% giá trị nông lâm thủy sản toàn tỉnh, vượt mục tiêu Nghị quyết 64 đã đề ra. Tuy vậy, quy mô sản suất còn nhỏ lẻ; thu hút đầu tư vào lĩnh vực NNUDCNC chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh... mà nguyên nhân chính là do một số địa phương chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đối với Nghị quyết 09: Đã cho các tổ chức kinh tế thuê 7.461,29ha rừng để thực hiện các dự án trồng dược liệu. Một số xã ngoài vùng chỉ dẫn địa lý đã di thực trồng sâm Ngọc Linh ở vùng có điều kiện sinh thái tương tự (như các xã: Đăk Plô, Đăk Man, Đăk Choong của huyện Đăk Glei; xã Măng Bút của huyện Kon Plông). Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu các dược liệu đã được các địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện... Và đặc biệt là sâm Ngọc Linh đã được bảo tồn và thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, diện tích trồng và phát triển dược liệu còn khiêm tốn so với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; sản xuất dược liệu nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chạy theo phong trào và thiếu bền vững... mà nguyên nhân chính là tỉnh còn thiếu nguồn lực.

 Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải cho rằng, về chủ trương và việc tỉnh ban hành Nghị quyết 64 và Nghị quyết số 09 là đúng và trúng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có mục tiêu đã đạt được và có việc chúng ta chưa đạt được. Vì vậy, đồng chí đề nghị các sở, ngành, các đơn vị, địa phương có liên quan cần đánh giá đầy đủ để sắp tới nghiên cứu, tham mưu HĐND tỉnh có thể ban hành nghị quyết mới sát thực tế hơn.

Về chính sách phát triển NNUDCNC và phát triển dược liệu, phải rà soát thật kỹ, phải kiên trì trên nền tảng sẵn có để phát triển, từ đó tham mưu ban hành chính sách sát thực tế, đúng, trúng và không nóng vội trong công tác này; cần phải nghiên cứu, tính toán đến chiến lược phát triển lâu dài, bền vững. Ngoài các mô hình, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần lưu ý ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển dược liệu, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân.

Qua đây, đồng chí lưu ý các sở, ngành có liên quan cần nâng tầm trong công tác tham mưu, dự báo, đánh giá, xây dựng chính sách, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; đồng thời làm tốt công tác phối hợp trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện NNUDCNC và phát triển dược liệu.

Tài Lương

                                                                            

Chuyên mục khác