25/05/2022 13:03
Tham gia Đoàn giám sát có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các sở: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Bảo hiểm xã hội và Hội NCT tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, các phòng, đơn vị và đại diện lãnh đạo UBND 12 xã, thị trấn thuộc huyện Đăk Glei.
|
Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Glei, tỷ lệ bao phủ BHYT là năm 2019 đạt 96,42% dân số; năm 2020 đạt 98,18%; năm 2021 đạt 90,15% và 3 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này mới đạt 88,41% dân số toàn huyện. Hiện, 100% người DTTS sinh sống tại 10 xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei (trừ xã Đăk Môn, Đăk Pék) được ngân sách nhà nước mua và cấp thẻ BHYT miễn phí. Người DTTS được hưởng 100% chi phí KCB tại Trung tâm Y tế huyện và phòng khám khu vực, trung tâm y tế tuyến xã; cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, nguồn nhân lực được đào tạo nhằm từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu KCB của người dân.
Tuy vậy, đến nay vẫn còn khoảng 12% dân số của huyện chưa tham gia BHYT; chi phí KCB tại một số cơ sở còn cao; số người tham gia BHYT sau khi thẻ BHYT hết hạn vẫn tiến triển chậm; một số cơ sở KCB đã xuống cấp tuy có đầu tư sửa chữa nhưng chưa đồng bộ đã ảnh hưởng đến chất lượng KCB cũng như thực hiện Bộ tiêu chí Chất lượng bệnh viện. Nguyên nhân là do một số hộ gia đình còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, chỉ mua BHYT ốm đau, tai nạn trong khi đó công tác tuyên truyền có lúc chưa phát huy được hiệu quả; việc cấp đổi căn cước công dân được tổ chức đồng loạt, trong đó rất nhiều người dân đã bổ sung ngày tháng sinh dẫn đến thay đổi thông tin đã cấp trên thẻ BHYT nên có lúc làm phiền người có thẻ BHYT.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện, từ năm 2016-2021, huyện đã triển khai 1 công trình phát triển KH&CN và triển khai thực hiện nhiều mô hình như mô hình trồng sâm dây, mô hình trồng cây đương quy trên địa bàn xã Mường Hoong; mô hình trồng cây bơ, mô hình trồng cây đinh lăng xen canh cây cà phê tại các xã Đăk Môn, Đăk Long, Đăk Choong; mô hình chuyển giao ứng dụng công nghệ sấy công nghiệp để sấy các loại dược liệu tại các xã phía Bắc huyện Đăk Glei... Nhìn chung các mô hình ứng dụng chuyển giao đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con nông dân về ý nghĩa, lợi ích của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống chưa trở thành phong trào, qui mô nhỏ lẻ... và mức độ áp dụng, ứng dụng các tiến bộ KH&CN chưa sâu, chưa đảm bảo đủ điều kiện cho phát triển bền vững. Nguyên nhân là do một số mô hình chưa thu hút được người dân tham gia, đặc biệt là việc ứng dụng chuyển giao các mô hình về cây giống, con giống có năng suất chất lượng cao. Bên cạnh đó, phương thức sản xuất của người dân còn lạc hậu, chưa áp dụng các máy móc tiên tiến vào sản xuất...; kinh phí đầu tư cho KH&CN còn hạn chế.
Đến cuối năm 2021, toàn huyện Đăk Glei có 538 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định. Trong đó có 23 NCT thuộc hộ nghèo không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng; 11 NCT từ đủ 80 tuổi trở lên; 63 NCT là người khuyết tật nặng; 426 người từ đủ 80 tuổi trên lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng. Các chính sách về BHYT, hỗ trợ mai tang phí đối với NCT được thực hiện kịp thời, đầy đủ theo quy định. Việc giải quyết chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên, cấp thẻ BHYT, hỗ trợ chi phí mai táng phí, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu nơi cư trú; công tác chúc thọ, mừng thọ đối với NCT… được thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước.
Tuy vậy, một số cụ chưa phát huy hết vai trò NCT. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những người từ 80 tuổi trở lên và đối tượng NCT cô đơn, không nơi nương tựa, ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn chưa kịp thời, thông tin thiếu chính xác. Nguyên nhân đại đa số các cụ tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn trong khi địa bàn rất rộng; cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Hội NCT; chi hội, tổ hội, một số cơ sở hội chưa tổ chức tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hằng năm.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đăk Glei, đồng chí Blong Tiến chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại trong công tác cấp thẻ BHYT, chăm sóc sức khỏe cho người DTTS, trong việc sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN và công tác của Hội NCT.
Qua đó, đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia mua BHYT và nghiên cứu các giải pháp để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân; thường xuyên chỉ đạo các trạm y tế, quan tâm đào tạo đội ngũ y, bác sỹ để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện; các phòng, ban, đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát cấp thẻ BHYT cho người dân.
Đối với nhiệm vụ KH&CN, đồng chí đề nghị UBND huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động phát triển KH&CN; hằng năm thực hiện công tác định hướng, xác định nhiệm vụ KH&CN cơ sở ưu tiên; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và có giải pháp mở rộng ứng dụng các mô hình có hiệu quả cao; xác định các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp có trọng tâm, trọng điểm phát triển KH&CN phù hợp; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân để họ tích cực hưởng ứng và tham gia phát triển KH&CN.
Tài Lương