Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại UBND tỉnh

27/04/2022 17:47

Chiều 27/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) giai đoạn 2016-2021 tại UBND tỉnh.
Quang cảnh buổi giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh tại UBND tỉnh. Ảnh: TVP

 

Giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức đã có chuyển biến về ý thức, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản. Trang thiết bị được cấp phát, mua sắm, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Các quy định về công khai minh bạch chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện trong các lĩnh vực như: sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng... từng bước đi vào nề nếp. Việc quy định phân cấp quản lý, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh tạo cơ sở pháp lý để các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài sản công và công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Điệu phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: TVP

 

Công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm tài sản công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập dự toán đến thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước. Thực hiện chi tiêu đúng tiêu chuẩn, định mức chế độ quy định, từng bước hạn chế việc bổ sung kinh phí ngoài dự toán. Việc áp dụng hình thức mua sắm tài sản theo phương thức tập trung đã góp phần tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Việc quy định tài sản có giá trị lớn sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh triển khai thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và phân cấp thẩm quyền theo quy định.

Công tác lập, thẩm định, tổng hợp, giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 và hàng năm được triển khai đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương vận dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 89/NQ-CP để đảm bảo tiết kiệm ngân sách và hiệu quả đầu tư. Nhiều công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành đưa vào sử dụng. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, qua đó đã phát hiện và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện nghiêm túc. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh tiếp tục được vận hành ổn định. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được nâng lên. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường, qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát việc triển khai thực hiện Luật THTK, CLP có lúc, có nơi còn hạn chế. Trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm còn phải điều chỉnh kế hoạch nhiều lần. Tiến độ thực hiện công trình của một số địa phương còn chậm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục thực hiện. Danh mục tài sản công hiện có tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị là rất lớn, do đó, việc tổ chức cập nhật, đối chiếu, duyệt dữ liệu cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trong công tác quản lý khoáng sản, các khu vực đã quy hoạch để cấp phép chưa đáp ứng đủ. Các quy định pháp luật về khoáng sản còn những nội dung chưa phù hợp thực tế, dẫn đến phát sinh các vướng mắc chưa giải quyết được như: việc thu hồi khoáng sản sau nạo vét lòng hồ thủy điện; thu hồi đất, đá thải tại các công trình đã hoàn thành; thu hồi đất làm san lấp trong quá trình cải tạo đất ở... gây thất thu ngân sách.

Phát biểu kết thúc buổi giám sát, đồng chí Phạm Đình Thanh – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao việc chấp hành chính sách, pháp luật về THTK, CLP của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan của tỉnh cần làm rõ về công tác quản lý đất rừng; về các kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu chưa được giải quyết; về quản lý nhà đất, nhà công vụ, trụ sở các cơ quan và các cơ sở dạy nghề đang còn để lãng phí.

Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh và sẽ tổng hợp trình Quốc hội và các bộ, ngành liên quan có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian tới.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác