05/04/2019 07:39
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Kon Tum có đồng chí Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nội vụ.
|
Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Đặng Luận – Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã báo cáo những kết quả nổi bật từ khi tái thành lập Trường đến nay. Trường đã mở 482 lớp với số lượng 35.499 học viên; trong đó, đào tạo trung cấp lý luận chính trị và đào tạo cán bộ dự nguồn 76 lớp với số lượng 5.333 người; bồi dưỡng ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính 59 lớp với số lượng 3.884 người; bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã 33 lớp với số lượng 3.032 người; bồi dưỡng công tác đảng, đoàn thể chính trị-xã hội 284 lớp với số lượng 21.078 người.
Ngoài các lớp trên, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum còn phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực III, Học viện Báo chí tuyên truyền mở được 25 lớp với tổng số 2.011 học viên, với các loại hình lớp: Cao học xây dựng Đảng - chính quyền nhà nước, Cử nhân chính trị, Cao cấp chính trị, Cử nhân xây dựng Đảng - chính quyền nhà nước, Đại học Hành chính, Đại học Quản lý nhà nước, Trung cấp thanh vận, Trung cấp phụ vận, Trung cấp hành chính …
Từ năm 1991 đến nay, nhà trường đã thực hiện được 5 đề tài cấp tỉnh, 9 đề tài cấp cơ sở; tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, nghiên cứu được phân cấp hoặc theo yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.
Những năm qua, nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sửa chữa, mở rộng một số phòng học, ký túc xá, xây mới khu liên hợp thể thao và từng bước trang bị các phương tiện, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.
Trường Chính trị tỉnh cũng đã đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng sớm ban hành Quy định về “Trường Chính trị chuẩn” để làm cơ sở cho tỉnh xây dựng đề án tổng thể phát triển Trường Chính trị; đề nghị các bộ, ngành Trung ương thông qua Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có cơ chế, chính sách hỗ trợ chế độ đối với cán bộ, viên chức của Trường Chính trị chưa được hưởng chế độ phụ cấp công vụ; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần có bộ sách “Hướng dẫn giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính” nhằm giúp giảng viên định hướng về nội dung, phương pháp dạy và học, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống…
Phát biểu tại buổi làm việc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao nỗ lực của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, dù đội ngũ cán bộ, giảng viên ít so với mặt bằng chung của cả nước nhưng đã hoàn thành khối lượng công việc lớn; đội ngũ cán bộ, giảng viên không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên mà luôn chủ động trong việc nắm bắt những vấn đề mới để phục vụ tốt công tác giảng dạy; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Trường Chính trị tỉnh Kon Tum tiếp tục tổ chức tốt các kỳ thi, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, trong đó lựa chọn, đề xuất các đề tài phải sát với tình hình thực tế địa phương; bên cạnh chú trọng nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cần quan tâm hơn đến việc nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên; tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên về số lượng lẫn chất lượng, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đưa giảng viên đi đào tạo và tạo điều kiện để giảng viên đi thực tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.
Tin, ảnh: Tú Quyên