05/04/2019 16:09
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
|
Trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (có bổ sung, phát triển năm 2011), tỉnh Kon Tum đã triển khai đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư và phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn đúng theo quy định; việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được chú trọng; 100% xã, phường, thị trấn đều có trường học đáp ứng tốt việc dạy và học cho học sinh. Công tác khoa học, công nghệ tập trung vào ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Đối với công tác xóa đói giảm nghèo, tỉnh đã triển khai tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,29% vào cuối năm 2018. Nhân dân đã được tiếp cận nhiều dịch vụ cơ bản về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, nguồn nước sạch... Các chính sách dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (giai đoạn 2016-2020), tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2016-2018, lĩnh vực kinh tế có tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh là 8,78%/năm (đạt 97,59% so với Nghị quyết đề ra); thu ngân sách nhà nước đạt 2.808 tỷ đồng (đạt 80,23% Nghị quyết); thu nhập bình quân đầu người từ 1.406 USD tăng lên 1.704 USD; tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3.205 tỷ đồng (tăng 451,75 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 17.003 tỷ đồng (tăng gấp 1,5 lần so với cuối năm 2015); công nghiệp có bước phát triển, giá trị sản xuất đạt 5.850 tỷ đồng (tăng 40,59% so với đầu nhiệm kỳ)...
Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và việc dồn điền, tích tụ đất nông nghiệp ở vùng có điều kiện với tổng diện tích 4.522ha để xây dựng những “cánh đồng lớn” tại các địa phương; đã tạo ra vùng chuyên canh sâm Ngọc Linh Kon Tum 500ha và bước đầu có sản phẩm công nghiệp chế biến liên quan.
Công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục được nâng lên. Tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Công tác đối ngoại ở tỉnh đạt kết quả tốt, việc thiết lập quan hệ và ký kết bản hợp tác thành công ban đầu với một số địa phương của Hàn Quốc, Nhật Bản; chỉ đạo triển khai đảm bảo đúng tiến độ công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Toàn Đảng bộ tỉnh có 684 tổ chức cơ sở đảng (tăng 1,03% so với đầu nhiệm kỳ) và 1.947 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở (tăng 8,53%). Đến nay, 874/874 thôn, làng, tổ dân phố có chi bộ độc lập...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị các cơ quan Trung ương chỉ đạo các bộ ngành sớm ban hành hướng dẫn thi hành một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công về khai thác quỹ đất để tạo vốn đầu tư kết cấu hạ tầng; đề nghị hướng dẫn mô hình tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy; sớm ban hành hướng dẫn về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; sớm có hướng dẫn về kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý và kiến nghị một số nội dung khác...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Tỉnh Kon Tum đã quán triệt, cụ thể hóa và có nhiều cách làm phù hợp để triển khai thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (có bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và công tác giữ vững, ổn định quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương. Tỉnh Kon Tum cũng đã thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và các nghị quyết Trung ương khóa XII về xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Qua đó, niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền ngày càng được nâng lên...
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ ra một số hạn chế cần có giải pháp sớm khắc phục, như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc, chưa huy động tốt các nguồn lực, động lực tăng trưởng; giảm nghèo chưa thật sự bền vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị còn một số khó khăn.
Đồng chí đã gợi mở cách tiếp cận mới, cách làm mới để địa phương phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới; đồng thời, ghi nhận những kiến nghị của Kon Tum, báo cáo Tiểu ban Văn kiện.
Tin, ảnh: Mai Trâm