“Gắn phát triển kinh tế-xã hội với phòng, chống dịch Covid-19”

25/10/2021 16:07

Đó là nội dung chính mà Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh U Huấn tâm đắc nêu lên trong Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn (giữa) tham dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: TVP

 

Đại biểu Quốc hội U Huấn nhận định: Ngay đầu năm 2021, nước ta bắt đầu chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn thứ tư với biến chủng Delta, nên rất nhiều khó khăn dồn dập, nhưng với sự năng động, sáng tạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, tới thời điểm hiện nay, đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các chỉ tiêu kinh tế dự kiến đạt 8/12 chỉ tiêu, còn 4/12 chỉ tiêu dự kiến sẽ không đạt. Trong đó, chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt từ 3-3,5%/khoảng 6% dự kiến cả năm. Chỉ tiêu GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 3.660-3.680 USD, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 3.700 USD. Chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32%, thấp hơn so mục tiêu khoảng từ 44%-47%. Chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều ước đạt từ 0,5-1%, thấp hơn so với mục tiêu từ 1-1,5%.

Vì vậy, trong thời gian tới, xác định phòng, chống dịch Covid-19 phải đặt trong bối cảnh bình thường mới với khả năng SARS-CoV2 còn tồn tại trong 1 thời gian dài và tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội ngay cả khi tỷ lệ tiêm vắc xin đạt ở mức cao. Với mục tiêu xuyên suốt là phải bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân là trên hết và trước hết, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh và coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ, là chủ thể của chiến lược phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế, kết hợp phòng, chống dịch thường xuyên với ứng phó khẩn cấp và kiên quyết không để xảy ra những khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Đồng thời, phải coi trọng đảm bảo ổn định chính trị, xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt và trọng yếu. Bởi, ý thức của người dân và tiêm vắc xin là điều kiện tiên quyết, y tế là then chốt, khoa học công nghệ là đột phá và phát triển kinh tế là nền tảng. Để làm được điều này, chúng ta phải huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia phòng, chống dịch và nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; kết hợp hài hòa, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo với phân cấp, phân quyền ràng buộc trách nhiệm để bảo đảm đặt “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại các địa phương. Nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch và tăng cường công tác dự báo, chú trọng học tập kinh nghiệm thành công của quốc tế, truyền thông an dân trong bối cảnh đại dịch phải đi trước một bước, với thông điệp nhất quán, rõ ràng, dễ thực hiện để củng cố niềm tin và sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân. Về mục tiêu, cần nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch Covid-19, không để lây lan, giảm thiểu số người tử vong và phải bảo đảm thực hiện tốt an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đến đầu năm 2022 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh để chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Đại biểu Quốc hội U Huấn đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội, bởi nó liên quan tới đảm bảo các chuỗi nguồn cung cho phát triển nền kinh tế, trong đó là chuỗi về lao động. Qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Xã hội của Quốc hội, trong 9 tháng đầu năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước có 50,4 triệu người, giảm 2 triệu người so với cùng kỳ; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động có 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp giao động ở mức 2% và có xu hướng dịch chuyển từ vùng đô thị về vùng nông thôn. Như vậy, người lao động sẽ bị thất nghiệp hai lần; trong đó, lần 1 là trong thời gian dịch bệnh đã bị cách ly tại cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp; lần 2 là thời gian tự phát về quê lại không có việc làm. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, trong thời gian tới, tiếp tục vận động số lượng công nhân, người làm tại các thành phố lớn trở lại để tiếp tục làm việc tại các doanh nghiệp, bởi vì nếu doanh nghiệp không có công nhân làm việc thì làm sao doanh nghiệp sản xuất được, mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì rõ ràng nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Nếu vận động không được thì phải có chính sách giải quyết việc làm, vì hiện nay họ không có đất, không có việc làm, thì sẽ gây bất ổn xã hội; trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta phải nâng tỷ lệ tiêm vắc xin lên rất nhiều, đặc biệt tập trung vào đối tượng công nhân, ít nhất phải tiêm hai mũi, sau đó vận động họ về lại nơi sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp ở các thành phố lớn để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Còn lực lượng lao động tại các địa phương hiện nay cũng bị ảnh hưởng từ các dịch vụ, kể cả lưu thông hàng hóa từ các dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn… Mặc dù số lượng lao động này không nhiều, nhưng nó cũng góp phần vào quá trình giải quyết lao động, việc làm cho người dân, là một nguồn đóng góp, nguồn thu rất lớn cho đất nước, cho địa phương. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nhất định dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương.

Đặc biệt, hiện nay, tỉnh Kon Tum có lợi thế về điện gió với khoảng trên 6.000MW, nhưng Chính phủ chỉ bổ sung quy hoạch Điện 7 khoảng trên 150MW là quá thấp, còn ở các tỉnh Tây Nguyên khác được quy hoạch trên cả 1.000MW. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu và bổ sung vào nguồn điện gió cho Kon Tum, vì đây là nguồn thu rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về phát triển năng lượng mặt trời, thời gian qua, tỉnh Kon Tum phát triển rất nhanh về điện áp mái nhà. Tuy nhiên, vừa qua, nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước nói chung và Kon Tum nói riêng giảm, nên Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung có kế hoạch cắt giảm tiêu thụ, nên người đầu tư bị mất lợi ích, đi ngược với hợp đồng đã ký kết. Qua đây cho thấy, Bộ Công thương, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam định hướng, quy hoạch, triển khai về phát triển năng lượng mặt trời còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, tính dự báo chưa cao, nên khi đề xuất Chính phủ chưa có tính tới dự báo về ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua quá trình làm việc với Điện lực Kon Tum, thực tế tỉnh Kon Tum cũng đã có kế hoạch thực hiện cắt giảm theo lộ trình của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung, nhưng trên thực tế, Điện lực Kon Tum chưa thực hiện, mà chỉ báo cáo Công ty Điện lực miền Trung và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam điều chỉnh lại kế hoạch tiêu thụ điện đối với các chủ đầu tư này.

Đại biểu U Huấn còn đề nghị, thời gian tới, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết và Chính phủ phải có giải pháp rõ nét trong phát triển vùng. Những tỉnh, thành phố phát triển nhanh nhất, mạnh nhất thì có trách nhiệm dẫn dắt tỉnh xung quanh cùng nhau phát triển, bỏ đi tính cục bộ địa phương, vì phát triển được kinh tế vùng thì cả nước sẽ phát triển. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu thực hiện tốt sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội để chủ trương phát triển vùng có kết quả và hiệu quả hơn. Đối với phát triển kinh tế - xã hội, khi xác định chiến lược phát triển thì phải lựa chọn ngành nào là cơ sở để thúc đẩy các ngành khác. Nếu tập trung tất cả các lực lượng cho tất cả các ngành thì sẽ bị dàn trải và không tập trung, không có đầu tàu để kéo các lĩnh vực khác đi lên. Vì vậy, Chính phủ cần phải cân nhắc trong tổng thể chiến lược phát triển thời gian tới, trước mắt là năm 2020, để xác định ngành nào, lĩnh vực nào ưu tiên phát triển để dẫn dắt các ngành khác cùng phát triển và cần có chiến lược, định hướng rõ ràng.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác