28/03/2023 13:10
Hơn ai hết, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc những hậu quả nặng nề mà các cuộc chiến tranh để lại. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn nói riêng.
Việc ban hành Chương trình 504 Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ổn định cuộc sống người dân, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm sớm loại bỏ sự nguy hiểm bởi bom, mìn do chiến tranh để lại ở Việt Nam.
Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh nói chung, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai thực hiện hiệu quả và thu được nhiều kết quả quan trọng.
|
Trong đó, đã khảo sát và rà phá được gần 500.000ha đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom, mìn, vật nổ, đem lại cuộc sống an toàn cho người dân, đồng thời góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom, mìn, vật nổ.
Đáng chú ý, số vụ tai nạn bom mìn giảm đáng kể, nhiều địa phương trong nhiều năm không ghi nhận tai nạn do bom, mìn sau chiến tranh.
Giải quyết cơ bản hậu quả bom, mìn sau chiến tranh cũng là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh; là mong ước của đông đảo người dân Kon Tum.
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, tỉnh Kon Tum đã rà soát, điều chỉnh bổ sung các dự án rà phá, khắc phục hậu quả bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình thuộc nhiệm vụ của địa phương theo quy định.
Đã có khoảng 1.674ha đất trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai và Kon Plông được trả lại sự hiền lành vốn có. Hơn 1.100 quả bom, mìn, vật nổ các loại với tổng khối lượng ước tính gần 17.000kg được thu gom, xử lý thành công.
|
Hiện nay tỉnh ta đang tiếp tục thực hiện Dự án giải phóng ô nhiễm bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021 – 2025 với khoảng 2.300ha trên địa bàn các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Đăk Hà và thành phố Kon Tum.
Đến nay, các diện tích đất được làm sạch đã được người dân khai thác có hiệu quả, đem lại nguồn lợi kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Trước đây, việc canh tác trên cánh đồng thôn 2, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô từng là nỗi ám ảnh với bà con nông dân bởi bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ẩn nấp dưới mặt đất, có thể phát nổ bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng con người.
Cũng vì vậy, trong quá trình lao động sản xuất, người dân nơi đây không dám tự do cày cuốc, cải tạo đất đai.
Nhưng hơn hai năm nay, nỗi ám ảnh ấy đã biến mất, kể từ khi lực lượng Công binh thực hiện tìm kiếm, rà phá và xử lý bom, mìn trên cánh đồng. Những “tử thần” được lôi lên khỏi mặt đất, đem đi xử lý trong niềm vui vô bờ bến của những nông dân nặng nợ với ruộng đồng.
Không chỉ rà phá bom mìn, lực lượng công binh còn tuyên truyền cho bà con về tính chất nguy hiểm và cách nhận biết các loại bom, mìn; các biện pháp phòng tránh cũng như sự cần thiết phải báo cáo chính quyền và những người có trách nhiệm khi phát hiện bom, mìn, vật nổ.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn cách “vạch đích” rất xa, khi diện tích đất được rà phá bom mìn, làm sạch đạt tỷ lệ chưa cao, cả tỉnh còn tới hơn 465.000ha đất ô nhiễm bom, mìn, vật nổ.
Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho công tác rà phá bom, mìn còn hạn chế, chưa được tập trung; hoạt động rà phá bom mìn chưa thực sự gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn, để có bước tiến nhanh hơn, mạnh hơn trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, các cấp, các ngành cần xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân; làm sạch môi trường; tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom, mìn phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đặc biệt, cần gắn nhiệm vụ nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom, mìn làm sạch đất đai với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho nhân dân.
Bên cạnh đó, thực thi tốt chính sách hỗ trợ nạn nhân bom mìn và gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Khi tôi chuẩn bị kết thúc bài viết này thì nhận được một tin đau lòng: Chiều 25/3, tại làng Kon Đao Yốp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà xảy ra vụ nổ đầu đạn gây ra hậu quả hết sức nặng nề, với 2 người tử vong, 3 người bị thương nặng.
Điều đáng nói là đầu đạn ấy được một trong số nạn nhân tìm thấy khi đi làm rẫy và đem về, sau đó dùng rựa… chặt.
Đã mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc thậm chí là máu để tìm và lôi dần những “tử thần” ấy lên khỏi mặt đất. Đó tiếp tục là một quá trình rất lâu dài và rất tốn kém.
Nhưng khó khăn mấy, tốn kém mấy cũng phải quyết tâm làm và kiên trì làm. Vì sự an toàn của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Và để mặt đất trở lại hiền hòa!
Hồng Lam