Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

10/06/2020 15:34

Sáng 10/6, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đánh giá công tác triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), việc thực hiện chương trình nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Trang

 

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum có 10/10 huyện, thành phố đăng ký hơn 140 sản phẩm OCOP với trên 110 chủ thể tham gia. Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đang từng bước hoàn thiện phần mềm quản lý dữ liệu sản phẩm nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý, giúp người dùng dễ tra cứu, tìm hiểu thông tin sản phẩm.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 4 lớp đào tạo nâng cao năng lực phát triển sản phẩm OCOP cho hơn 50 chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác; đồng thời cử 2 công chức OCOP cấp tỉnh tham gia tập huấn chương trình OCOP năm 2020 do Trung ương tổ chức tại tỉnh Quảng Trị.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum đã hình thành và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông với nguồn lực đầu tư hạ tầng đến tháng 3/2020 đạt trên 41 tỷ đồng. UBND huyện Đăk Hà đã hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đăk Hà trình UBND tỉnh xem xét, quyết định với quy mô dự án dự kiến hơn 70 ha. Tại thành phố Kon Tum, dự thảo Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phường Ngô Mây cơ bản hoàn thiện, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và trình UBND tỉnh ban hành.

Đối với phát triển sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác, đến nay, UBND tỉnh đã giao rừng, hỗ trợ 9 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuê rừng để trồng dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích gần 7.500ha. Đã có 30 hộ nghèo người DTTS trên địa bàn tỉnh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống hồng đẳng sâm, phân bón vi sinh hữu cơ để trồng mới gần 2,5ha cây dược liệu trong tháng 6/2020.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương sớm hoàn thành việc tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, qua đó, chọn ra những sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên để tham gia đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh dự kiến tổ chức vào đầu tháng 7 tới. Sở cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP từ ngân sách địa phương.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị trong 6 tháng cuối năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các đơn vị và địa phương trong tỉnh triển khai phương án thúc đẩy xúc tiến thương mại, tăng cường truyền thông với mục tiêu đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị của tỉnh và xây dựng được các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm đến người tiêu dùng; Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum cần khẩn trương hoàn thiện, đưa vào hoạt động hệ thống dữ liệu sản phẩm OCOP để đảm bảo thống nhất công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm này.

Về việc thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây dược liệu gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh, nhất là phải lựa chọn được những doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có tiềm lực trong sản xuất, chế biến dược liệu.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ giống cà phê tái canh cho bà con nông dân; có phương án cụ thể để giải quyết dứt điểm những khó khăn trong vay vốn, giúp người trồng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay tái canh cây cà phê.

Thu Trang

 

Chuyên mục khác