Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri; nâng cao hiệu quả giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị

12/10/2018 15:07

​Làm thế nào để đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động giám sát đối với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là vấn đề được tập trung thảo luận tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 5 (nhiệm kỳ 2016-2021) do HĐND tỉnh Kon Tum đăng cai tổ chức…

Như Báo Kon Tum đã đưa tin, sáng 12/10, tại thành phố Kon Tum, Ban Công tác đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần 5 (nhiệm kỳ 2016 - 2021) với chủ đề “Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động giám sát đối với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: T.H

 

Đã có 13 tham luận của Thường trực HĐND 13 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cùng nhiều ý kiến trao đổi được trình bày tại hội nghị, thu hút sự quan tâm của đại biểu.

Các tham luận, ý kiến đều thống nhất đánh giá, thời gian qua, trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND luôn coi trọng hoạt động giám sát, nhằm phát hiện những vấn đề phát sinh, những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội để kiến nghị các cơ quan, đơn vị giải quyết kịp thời, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.

Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tiếp tục  được cải tiến cả về nội dung và hình thức; qua đó, thu thập và phản ánh cơ bản kịp thời tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Việc theo dõi, đôn đốc giám sát quá trình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được quan tâm thực hiện theo đúng quy định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, hội nghị thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Một số cuộc tiếp xúc cử tri còn hình thức, chưa thu hút sự tham gia và phản ánh của cử tri; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít; việc giám sát giải quyết kiến nghị cử tri mới chỉ dừng ở bước đôn đốc, nhắc nhở, chưa đưa ra những biện pháp cụ thể để yêu cầu cơ quan, đơn vị giải quyết đến cùng các vụ việc; việc thông tin kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đôi lúc chưa kịp thời, dẫn đến việc cử tri khiếu nại nhiều lần cùng một vấn đề...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, các đại biểu cho rằng, cần xác định rõ tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị cử tri là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan dân cử; đại biểu HĐND có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, đồng thời báo cáo, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động nhân dân và cùng với nhân dân thực hiện.

Tăng cường sự phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể từng ngành, từng đại biểu trong việc tiếp xúc cử tri

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Túy- Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội đánh giá, qua theo dõi hoạt động của HĐND đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, cho thấy đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố đã chủ động thực hiện hoạt động tiếp xúc cử tri theo đúng quy định của pháp luật. Hình thức tiếp xúc và nội dung tiếp xúc cử tri được nghiên cứu để đổi mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng địa bàn dân cư. Công tác tổng hợp, phân loại kiến nghị cử tri được tiến hành khoa học, hiệu quả.

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi (thứ 2, từ trái sang) nhận quyền đăng cai hội nghị lần thứ 6. Ảnh: T.H

 

Nội dung tham luận của các tỉnh, thành phố đã đánh giá đúng thực chất những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế; đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trong thời gian tới. Điều này thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của cơ quan dân cử. Các kiến nghị, đề xuất sẽ được Ban Công tác đại biểu Quốc hội tiếp thu và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét- đồng chí Trần Văn Túy cho hay.

Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum chuyển giao quyền đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ 6 (nhiệm kỳ 2016-2021) cho Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi.

Thành Hưng

Chuyên mục khác