Đổi mới cơ chế, ưu tiên nguồn lực phục vụ giảm nghèo bền vững

28/11/2018 17:40

Ngày 28/11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị…

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể; lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, phòng ban chức năng tại điểm cầu các huyện, thành phố.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh: Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tháng 1/2017. Trong 3 năm qua, nhiều giải pháp cụ thể được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế; quá trình thực hiện bộc lộ một số chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tế; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững…        

Vì vậy, hội nghị có nhiệm vụ đánh giá lại kết quả đạt được; thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, từ đó thảo luận, đề xuất những giải pháp cụ thể, phù hợp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu Đề án đặt ra - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đề nghị.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng kinh phí thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2018 là hơn 5.000 tỷ đồng. Trong 3 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 10.519 hộ, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,56%/năm (từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 20,3% vào cuối năm 2017), đạt 101,71% so với kế hoạch đề ra.

Thu nhập bình quân của hộ nghèo là 644.000 đồng/người/tháng, dự kiến đạt 122% so với mục tiêu tăng thu nhập bình quân hàng năm của hộ nghèo theo đề án đề ra. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, nước sạch, giao thông, xây dựng nông thôn mới… được quan tâm đầu tư, đem lại sự thay đổi cơ bản, toàn diện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án cũng còn những khó khăn, hạn chế cần được khắc phục. Đó là, có 3/10 huyện, thành phố chưa đạt kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo so với kế hoạch của Đề án; một số địa phương triển khai thực hiện còn lúng túng, sai sót; một số dự án thuộc Đề án gặp khó khăn về cơ chế, thời gian và mức luân chuyển, thu hồi vốn; nguồn kinh phí Trung ương phân bổ cho địa phương chậm; việc huy động các nguồn lực khác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Y Mửi đánh giá cao những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai Đề án. Đây sẽ là động lực góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua giảm nghèo, cũng như ý thức tự giác, nỗ lực vượt khó của các hộ nghèo…

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo đa chiều; triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; thực hiện tốt việc lồng ghép các chính sách có cùng mục tiêu; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo…

Tôi đề nghị cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh hộ nghèo mới; phát huy tinh thần tự lực, tự giác của hộ nghèo; hình thành và nhân rộng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới..., tránh tình trạng chung chung, hô khẩu hiệu - đồng chí Y Mửi nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến thảo luận và báo cáo tham luận của các sở, ngành, huyện, thành phố trình bày tại hội nghị đều tập trung nhận diện những hạn chế, tồn tại; phân tích, làm rõ nguyên nhân cũng như kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể.

Theo đó, trong thời gian tới, Trung ương cần đổi mới cơ chế, ưu tiên nguồn lực phục vụ giảm nghèo bền vững; phân bổ sớm nguồn vốn để chủ động triển khai; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực bảo đảm hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy chế phối hợp...

Quá trình triển khai cần tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động-việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí đa chiều như y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao...

Tại hội nghị, đã có 18 tập thể, 24 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”; 3 tập thể, 2 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" năm 2018.

          Tin, ảnh: Thành Hưng

Chuyên mục khác