12/07/2023 13:05
|
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Các cấp, ngành trên địa bàn tiến hành rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự; xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng; lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai về các quy định của pháp luật trong phòng, chống thiên tai; quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, trước tình hình động đất thường xuyên xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương, đặc biệt là huyện Kon Plông thường xuyên, theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất trên địa bàn; kịp thời phát hiện, thông tin về động đất và dư chấn do động đất; hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân; chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra các hồ đập thủy lợi, thủy điện; đề nghị các đơn vị vận hành, điều tiết, giảm tích nước hồ chứa thủy điện để an toàn cho các công trình và người dân vùng hạ du.
|
Tại buổi làm việc, tỉnh ta kiến nghị với Đoàn kiểm tra một số nội dung: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành Trung ương quan tâm triển khai hoạt động Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra nhằm xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp; đưa ra số liệu, thông tin chính thống về động đất tại địa bàn này, tổ chức tuyên truyền để nhân dân biết, ổn định tâm lý, tránh hoang mang; hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với các cấp độ động đất; tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho địa phương để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 và các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới; Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, bổ sung các dịch vụ viễn thông để tạo tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa thuận lợi tiếp cận thông tin.
Các thành viên Đoàn kiểm tra đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề khó khăn, vướng mắc mà tỉnh Kon Tum gặp phải, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
|
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá cao công tác chuẩn bị, triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai của tỉnh. Đồng thời, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Kon Tum, trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra sẽ tổng hợp báo cáo với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh.
Đồng chí Phạm Đức Long đề nghị, tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống thiên tai cho người dân, nâng cao kỹ năng phòng, chống thiên tai cho cộng đồng; thường xuyên rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức tập huấn, diễn tập thực hành ứng phó với các tình huống thiên tai cho cơ sở. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi; đề nghị các chủ công trình kịp thời khắc phục các sự cố nếu có.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thôngPhạm Đức Long lưu ý, tình hình động đất tuy chưa gây thiệt hại, nhưng vẫn rất khó lường; do đó, tỉnh Kon Tum cần xây dựng phương án phòng ngừa từ xa, tuyên truyền, xây dựng sổ tay hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Thùy Hương