Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc tại tỉnh Kon Tum

21/03/2018 17:58

Chiều 21/3, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010 - 2017 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Làm việc với đoàn giám sát có các đồng chí: A Pớt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

 

Giai đoạn 2010 - 2017, nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, huy động từ nhiều nguồn nên mạng lưới trường lớp học trên địa bàn tỉnh được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, với tổng số 525 cơ sở giáo dục có gần 185 ngàn học sinh, sinh viên theo học.

Đặc biệt, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành tỉnh kịp thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tham mưu các văn bản cụ thể hóa chỉ đạo thực hiện đúng quy định, với tổng kinh phí hơn 819  tỷ đồng.

Đại diện UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành cũng nêu một số khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực giáo dục địa phương như, quy mô, mạng lưới trường lớp đã được quan tâm mở rộng, song nhiều trường học chưa có phòng học bộ môn, thư viện; một số trường ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu công trình vệ sinh, thiếu nguồn nước nhất là về mùa khô. Số phòng học tạm vẫn còn nhiều, 189 phòng; phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS còn nhiều khó khăn do vấn đề nhận thức, sự chưa hoàn thiện của hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, việc làm đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu sinh kế thiết thực của người học...

Tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi như: Phát  triển các trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú; hỗ trợ học sinh mầm non; hỗ trợ các tỉnh miền núi khó khăn như tỉnh Kon Tum các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sắp đến; quan tâm có những chương trình đầu tư phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi khó khăn, khai thác thế mạnh của các tỉnh miền núi và tạo điều kiện để miền núi tiến kịp miền xuôi.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Cao Thị Xuân đánh giá tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về hỗ trợ, phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi thời gian qua khá tích cực. Đồng chí đề nghị tỉnh quan tâm, tăng số lượng cán bộ quản lý, giáo viên DTTS dành cho trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú; huy động nhiều nguồn lực của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, thực hiện xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, đáp ứng tốt hơn việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục địa phương; tăng cường tuyên truyền duy trì, huy động học sinh ra lớp tích cực trong thời gian tới. Đối với thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, tỉnh Kon Tum thường xuyên rà soát, kiểm tra, chỉ đạo sở, ngành, địa phương tránh để công tác phân bổ, hỗ trợ chưa đúng, đủ theo quy định hiện hành. Đối với những kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội tiếp thu, sẽ có văn bản trình Chính phủ và chuyển đến bộ, ngành liên quan.

Trước khi làm việc với UBND tỉnh, ngày 20 và sáng 21/3, Đoàn giám sát đã đi thực tế, nắm bắt thông tin thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2010 - 2017 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Kon Plông và Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Cành (huyện Kon Plông) và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.      

Tin, ảnh: Mai Trâm

Chuyên mục khác