07/02/2019 06:45
Nâng cao chất lượng giám sát
Thông tin từ Đoàn ĐBQH tỉnh, đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, đơn vị đã tiến hành chủ trì, tham gia giám sát 5 chuyên đề và có 85 ý kiến đối với các cơ quan chịu sự giám sát, cơ quan có liên quan. Đồng thời, công tác theo dõi sau các đợt giám sát, những nội dung, vấn đề kiến nghị của Đoàn đều được cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu thực hiện, hoặc đang triển khai thực hiện theo lộ trình, kết luận cuộc làm việc.
Đặc biệt, qua các đợt giám sát của Đoàn ĐBQH, bên cạnh cơ quan được chọn giám sát cung cấp báo cáo kịp thời theo yêu cầu đoàn giám sát, thì các thành viên của Đoàn ĐBQH tỉnh còn nghiêm túc nghiên cứu các chính sách, pháp luật liên quan, kiểm tra tận mắt hiệu quả công tác, lĩnh vực được giám sát ở địa phương, cơ sở. Với nhiều cách thu thập thông tin, văn bản phục vụ giám sát, hoạt động giám sát ngày càng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu.
|
Hầu hết các chuyên đề giám sát của Đoàn ĐBQH đều gắn với thực tế, khơi trúng vấn đề các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình công tác, thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật còn nhiều vấn đề khó khăn cần tháo gỡ như: Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 đối với các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh Kon Tum quản lý; giám sát kết quả 2 năm 2017-2018 thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; thực hiện chính sách pháp luật về phát triển toàn diện trẻ em (giai đoạn 0-8 tuổi); thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010-2017 tại tỉnh Kon Tum…
Tiêu biểu đầu năm 2018, Đoàn tiến hành giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh. Ngoài nghiên cứu văn bản báo cáo của tỉnh Kon Tum, Đoàn còn đi thực tế giám sát tại 3 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nước ngoài do tỉnh Kon Tum quản lý và làm việc với UBND tỉnh.
Tại đợt giám sát, các doanh nghiệp nhà nước và tỉnh Kon Tum đã kiến nghị các cấp tháo gỡ vướng mắc, bất cập một số chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp.
|
Trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp và tỉnh Kon Tum, Đoàn đã tổng hợp, có kết luận giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát Quốc hội. Đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (ngày 15/6/2018) đã thông qua Nghị quyết số 60/2018/QH14 về “Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.
Giải quyết nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Năm 2018, các hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh tiếp tục triển khai tích cực, đúng quy định và đảm bảo theo chương trình, kế hoạch đề ra.
Theo đó, đã có 6 chuyên đề giám sát được triển khai, trong đó 5 chuyên đề giám sát được tích hợp trong một đợt giám sát trên cùng một địa bàn, vào cùng một thời điểm. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương làm việc với đoàn, nhưng không ảnh hưởng đến công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
|
Đồng chí Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá: Quá trình giám sát, từng thành viên tham gia các Đoàn giám sát đã phát huy tốt trách nhiệm. Ở từng đợt giám sát, các đoàn đã nắm bắt được thực tế khó khăn, hạn chế, vướng mắc ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương; từ đó kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan kịp thời đề ra những giải pháp khắc phục và hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở thực hiện công tác hiệu quả hơn.
Để hoạt động giám sát ở địa phương thực hiện đúng quy trình và mang lại kết quả cao nhất, trước khi các đoàn giám sát trực tiếp, những cơ quan, đơn vị được giám sát cũng tuân thủ đúng yêu cầu gửi văn bản, báo cáo theo kế hoạch, đề cương nêu ra. Sau đó, các báo cáo này được chuyển cho thành viên đoàn giám sát nghiên cứu, lựa chọn vấn đề cần đi thực tế để nắm thêm thông tin và nhìn thấy thực tế. Quá trình giám sát, các đại biểu HĐND tỉnh tham gia Đoàn đã phát huy tốt trách nhiệm, tìm hiểu kỹ vấn đề, đặt câu hỏi để làm rõ từng nội dung.
Đến thời điểm tổ chức các đợt giám sát, các đoàn giám sát thực hiện đúng kế hoạch đề ra, có đi thực tế trước, nắm bắt thông tin từ cán bộ cơ sở thực thi công vụ, sự phản ánh của cử tri có liên quan đến chuyên đề giám sát như: Công tác triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước đã ban hành; các chương trình chính sách, nghị quyết, dự án được hỗ trợ, đầu tư trên địa bàn tỉnh có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Qua đó, có cơ sở củng cố, kết luận những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để làm việc cụ thể với các đơn vị được giám sát nhằm giải quyết vấn đề đặt ra.
Chính sự chủ động này đã giúp cho các thành viên đoàn giám sát có được nhiều thông tin, sát thực tế công việc trước khi làm việc với cơ quan, đơn vị được giám sát, nhằm nâng cao chất lượng giám sát trong từng chuyên đề.
Điển hình như, đợt giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh về quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Về cơ bản công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết 26 trên địa bàn tỉnh được triển khai theo quy định. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản vẫn còn hạn chế như: Một số địa phương chưa kịp thời rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản; chưa nắm đầy đủ các loại khoáng sản được quy hoạch trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về công khai quy hoạch, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác…
Từ những tồn tại, hạn chế trên, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng pháp luật về khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đến từng địa phương. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đầy đủ, kịp thời…
|
Hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh còn quan tâm giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 và thứ 6 HĐND tỉnh theo quy định. Theo đó, đã chuyển 233 kiến nghị của cử tri đến UBND tỉnh để xem xét, giải quyết. Đến nay, UBND tỉnh đã xem xét, giải quyết và có văn bản trả lời 233 kiến nghị của cử tri, đạt tỷ lệ 100%.
Có thể nói, năm qua, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh đã gắn với thực tế, chạm vào những vấn đề xã hội và cử tri quan tâm, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử các cấp. Công tác giám sát thực hiện tốt còn giúp cho các cấp, các ngành tự điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực thi quản lý, điều hành tốt hơn, thực hiện đạt chất lượng cao hơn các chỉ tiêu, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước ban hành.
Mai Trâm