Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

24/04/2024 11:20

Trong 3 ngày (từ 2 - 4/5), các ĐBQH tỉnh sẽ tiếp xúc cử tri để báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đến nay; nghe và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, phản ánh, nguyện vọng của cử tri đối với dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV; các ý kiến, kiến nghị đối với Quốc hội và các cơ quan có liên quan.

Các ĐBQH tỉnh sẽ tiếp xúc cử tri tại xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei vào sáng 2/5; tại xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông vào chiều 2/5; tại xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy vào sáng 3/5; tại phường Quang Trung, thành phố Kon Tum vào chiều 3/5; tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông vào sáng 4/5.

Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 28/6. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: Từ ngày 20/5 - 08/6;  Đợt 2: Từ ngày 17 - 28/6.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: TVP

 

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, gồm:

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) - theo quy trình tại một kỳ họp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ - theo quy trình tại một kỳ họp.

Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Quốc hội sẽ cho ý kiến 11 dự án luật, gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác: Xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; xem xét, quyết định về một số dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác;...

Hồ Nam

Chuyên mục khác