Đoàn ĐBQH tỉnh: Thảo luận tại tổ 8 dự án luật

06/01/2022 13:10

Sáng 6/1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh thảo luận tại tổ các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (viết tắt là 8 dự án luật). Đồng chí Phạm Đình Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi thảo luận.
 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh: TVP

 

Tại buổi thảo luận, các ĐBQH tỉnh thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ, Bộ Tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về 8 dự án luật liên quan đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện cả nước đang ra sức phòng, chống dịch Covid-19.

Tham gia ý kiến Luật Đấu thầu, Thượng tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh, ĐBQH Trần Thị Thu Phước cho rằng: Tại điểm a khoản 1 Điều 34 về căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án quy định về việc “Quyết định phê duyệt dự án hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và các tài liệu có liên quan; đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án thì căn cứ theo quyết định của người đứng đầu chủ đầu tư, hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư”. Theo đó, đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện các hoạt động trước khi có quyết định đầu tư do người đứng đầu chủ đầu tư (hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án) phê duyệt. Đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện hoạt động lập dự án điều chỉnh (sau khi dự án đã được phê duyệt) thì người quyết định đầu tư phê duyệt hay người đứng đầu chủ đầu tư phê duyệt. Ngoài ra, theo Luật Đấu thầu, đề án quy hoạch được xem là một dự án đầu tư phát triển, do đó kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện các hoạt động có liên quan để lập quy hoạch trước khi người có thẩm quyền phê duyệt do người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ lập quy hoạch phê duyệt. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai giữa các địa phương có sự khác nhau (có nơi người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ lập quy hoạch phê duyệt, có nơi do người đứng đầu cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu). Do đó, đề nghị cần quy định rõ hơn về trường hợp trên để đảm bảo việc thực hiện được thống nhất.

Đối với Luật Đầu tư, ĐBQH Trần Thị Thu Phước đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng và Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Đối với sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, sau khi thực hiện rà soát các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng với các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng cho thấy các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng không trùng với các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, sản phẩm mật mã dân sự (ba loại sản phẩm này được điều chỉnh bởi 3 luật khác nhau, đó là Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Cơ yếu).

Đối với Luật Đầu tư công năm 2019, ĐBQH Nàng Xô Vi có ý kiến sửa đổi, bổ sung về việc tách riêng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án độc lập đã được các tỉnh, thành nhiều lần kiến nghị Trung ương và nội dung này đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án thí điểm. Tuy nhiên, tại Tờ trình số 573/TTr CP, ngày 27/12/2021 của Chính phủ về 8 dự án luật không đề cập việc sửa đổi Luật Đầu tư công đối với nội dung này. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm luật hóa nội dung trên để các địa phương có cơ sở thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án đầu tư công có bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, ĐBQH Nàng Xô Vi đề nghị, đối với Luật Đầu tư 2020 và Luật Lâm nghiệp liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng có ghi tại khoản 4, Điều 1, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP, ngày 15-7-2020 “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp quy định: “ Đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”. Tuy nhiên, tại Điều 33, Luật Đầu tư 2020 và Điều 31, Nghị định số 31/2021/ NĐ- CP, ngày 26-3-2021 của Chính phủ quy định về hồ sơ, thủ tục lập, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư không yêu cầu chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trong hồ sơ và nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Vì vậy, đề xuất có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này hoặc xem xét sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng trong nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư cần lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác