06/01/2022 17:59
|
Tại buổi thảo luận, các ĐBQH tỉnh thống nhất cao với sự cần thiết ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, từ đó tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Tham gia ý kiến về Nghị quyết này, ĐBQH Trần Thị Thu Phước cho rằng: Hiện nay, Quốc hội đã có các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên - Huế; trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý rừng, đất đai, quy hoạch nhằm giúp tăng nguồn lực, tính chủ động cho các tỉnh, thành phố nói trên để phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, Quốc hội cũng nên xem xét về thí điểm một số cơ chế, chính sách đầu tư phát triển khu vực Tây Nguyên.
Bởi theo ĐBQH Trần Thị Thu Phước, Tây Nguyên là vùng đất có nhiều lợi thế trong phát triển và hội nhập quốc tế. Trong đó, đất đai, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và vị trí địa lý khá thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, áp dụng công nghệ cao; phát triển các ngành chế biến lâm sản, khoáng sản và các sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng. Nhiều nghiên cứu trước đó đã chứng minh Tây Nguyên là vùng đất “mang tính đặc thù”, thể hiện qua bản sắc văn hóa, dân tộc, hệ sinh thái, tài nguyên, con người, vị trí địa chính trị-kinh tế.
Mặc dù trong nhiều năm qua, Chính phủ đã tập trung ưu tiên nguồn lực để giúp Tây Nguyên phát triển trên cơ sở khai thác các lợi thế đặc thù, song kinh tế Tây Nguyên vẫn tụt hậu so với các khu vực khác trên cả nước; cơ sở hạ tầng, nhất là điều kiện giao thông còn nhiều hạn chế; đời sống kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là người đồng bào DTTS. Do đó, để giúp Tây Nguyên phát huy được những thế mạnh đặc thù, đòi hỏi phải có cơ chế riêng để Tây Nguyên có tính kết nối, liên kết vùng mạnh mẽ hơn nữa, phát huy hiệu quả các lợi thế đặc thù của Tây Nguyên trong quá trình phát triển.
Với điều kiện là khu vực miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, diện tích rừng lớn, tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù, bứt phá hơn nữa để xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, gia tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ vay lại từ Chính phủ cho đầu tư phát triển; tăng thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho HĐND tỉnh; có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp; có cơ chế ưu tiên vay vốn phát triển kinh tế đối với đồng bào DTTS để tăng cường gắn kết vùng, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn vốn, giảm lãi suất, giúp Tây Nguyên có điều kiện phát huy lợi thế, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương để xây dựng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khu vực Tây Nguyên.
Trần Văn Phúc