Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại Ban Dân tộc và Sở LĐ-TB&XH

28/07/2023 06:20

Ngày 27/7, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh khảo sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại Ban Dân tộc tỉnh; việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tổng kinh phí thực hiện các chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến 5.514,308 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 4.330,463 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 314,662 tỷ đồng, vốn tín dụng 583,864 tỷ đồng, vốn huy động và lồng ghép từ các nguồn vốn khác là 285,319 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2023, đã giải ngân kế hoạch vốn của năm 2022 là 367,611 tỷ đồng, đạt 78% so với kế hoạch; giải ngân vốn năm 2023 là 9,333 tỷ đồng, đạt 1,14% so với kế hoạch. Tuy vốn giải ngân còn thấp nhưng đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tổng kinh phí thực hiện các chương trình trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 1.259,412 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.144,919 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 114,493 tỷ đồng. Năm 2021 giải ngân 7,260 triệu đồng; năm 2022 giải ngân 102,142 tỷ đồng và tính đến ngày 31/3/2023 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.832 tỷ đồng với hơn 69 ngàn hộ còn dư nợ... Việc triển khai thực hiện chương trình đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, tỷ lệ giảm nghèo, nhất là tại các huyện nghèo đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trong quá trình thực hiện các chương trình, Ban Dân tộc tỉnh và Sở LĐ-TB&XH đều gặp những khó khăn, đó là: Việc bố trí nguồn lực chưa phù hợp với mục tiêu, nội dung và thời gian thực hiện chính sách; bố trí vốn muộn so với thời hạn lập dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong cân đối xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương; một số bộ, ngành ở Trung ương chưa hướng dẫn cụ thể về giao chỉ tiêu, mục tiêu cho một số tiểu dự án, dự án thuộc chương trình; một số nội dung quy định, hướng dẫn tại một số văn bản cho các bộ, cơ quan trung ương ban hành còn có sự chưa thống nhất.

Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 chưa được kịp thời, cụ thể và đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện. Các địa phương chưa có các giải pháp để huy động và tăng cường nguồn lực đầu tư cho chương trình mà chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.

Qua đó, Ban Dân tộc tỉnh và Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm thông báo dự kiến kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để địa phương có cơ sở hoàn thiện kế hoạch thực hiện chương trình cũng như rà soát, cân đối nguồn lực của địa phương để đối ứng, lồng ghép thực hiện theo quy định… và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng xã khu vực II, khu vực III sau khi các xã này đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh phát biểu tại buổi làm việc với Dân tộc tỉnh. Ảnh: KD

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ban Dân tộc tỉnh và Sở LĐ-TB&XH phát huy kết quả đạt được, tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để góp phần thực hiện đạt mục tiêu đề ra theo các nghị quyết của Quốc hội. Qua đó, đồng chí ghi nhận những khó khăn trong quá trình thực hiện các chương trình, đồng thời đề nghị Ban Dân tộc tỉnh và Sở LĐ-TB&XH cung cấp thông tin cho Đoàn ĐBQH tỉnh những vấn đề cần đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương để Đoàn nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Kim Dung

Chuyên mục khác