Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh

14/03/2019 07:41

Ngày 13/3, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Tô Văn Tám - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018, tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Tô Văn Tám phát biểu tại buổi làm việc

 

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, giai đoạn 2013 - 2018, đơn vị thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ, phát triển rừng, với tổng số thu gần 1.074 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng; thực hiện chi trả cho chủ rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng và các đơn vị liên quan hơn 1.000 tỷ đồng để bảo vệ hơn 2.088.000 lượt héc ta rừng; trồng và chăm sóc 522,5ha rừng. Đối với cá nhân, gia đình được nhà nước giao đất, giao rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng thu nhập trung bình đạt 4,5 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 32 triệu đồng/cộng đồng/năm.

Theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đúng quy định như trên đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích rừng mới trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác giao rừng cho cá nhân, đơn vị thực hiện bảo vệ, phát triển ở các địa phương đúng quy định còn nâng cao ý thức của người dân ở lĩnh vực này; đồng thời số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến rừng cũng giảm đáng kể. Các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua hoạt động nhận khoán quản lý bảo vệ rừng... Từ đây, đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự tại các địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc ban hành chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ phát triển rừng vẫn có hạn chế, chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác chi trả, thu nợ đọng liên quan như: chính sách chi trả dịch vụ môi trường được Chính phủ ban hành năm 2010 tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, nhưng cuối năm 2012 liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính mới ban hành Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC về hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; tiếp đến năm 2015, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 40/2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản... Từ những bất cập trên, dẫn đến không ít doanh nghiệp, đơn vị còn chây ì, trì hoãn, không kê khai, chưa nộp tiền nợ đọng chi trả dịch vụ môi trường rừng, hoặc trồng rừng thay thế theo đúng các quy định hiện hành.

Tại buổi giám sát, đại diện đơn vị đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh xem xét, kiến nghị các bộ, ngành trung ương hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế như đề cập trên.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Tô Văn Tám nhận xét, theo báo cáo của đơn vị được giám sát cung cấp, việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ, phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2013 - 2018 đã thực hiện tích cực, đúng pháp luật. Đồng chí nhắc nhở đơn vị quan tâm, chú ý đến việc chi trả quản lý bảo vệ rừng cho người dân ở cơ sở kịp thời. Mặt khác, một số kiến nghị của đơn vị, đoàn tiếp thu tổng hợp và báo cáo các cấp liên quan để xem xét, có hướng tháo gỡ thời gian tới.

Tin, ảnh: Mai Trâm 

Chuyên mục khác