Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại huyện Sa Thầy

09/10/2019 22:00

Chiều 9/10, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Tô Văn Tám - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Sa Thầy.

 

Đồng chí Tô Văn Tám - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TVP

 

Tham gia buổi giám sát có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Sa Thầy, hiện nay, toàn huyện có 17.143 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 33,22% dân số toàn huyện. Trong đó có 6.282 trẻ em dưới 6 tuổi, 170 trẻ em hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng.

Trong gần 5 năm qua (2015 đến tháng 6/2019), UBND huyện đã chấp hành và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, bộ, ngành và của tỉnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục (BVCSGD) trẻ em; đồng thời tổ chức các hoạt động phòng ngừa, bảo vệ, trợ giúp trẻ em khỏi bị bạo lực, xâm hại; kịp thời ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh để hướng dẫn, chỉ đạo công tác BVCSGD trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng; lồng ghép các mục tiêu về trẻ em, trong đó tập trung có mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình, giảm số hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội để đưa vào Nghị quyết của HĐND huyện về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, cũng trong gần 5 năm qua, các ngành chức năng của huyện đã phát hiện 5 vụ với 5 trẻ em bị xâm hại tình dục, dâm ô và đã được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trẻ em bị xâm hại được gia đình, cơ quan BVCSGD trẻ em, cơ quan y tế kịp thời khám sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý.

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Tô Văn Tám đề nghị, trong thời gian tới, UBND huyện Sa Thầy cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền miệng để người dân dễ hiểu; nhân rộng các mô hình có liên quan đến công tác BVCSGD trẻ em đến với cộng đồng dân cư; tăng cường công tác tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin, nhất là các thông tin có nguy cơ trẻ em bị xâm hại để ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra các vụ xâm hại trẻ em; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức giám sát chặt chẽ các vụ bạo lực trẻ em ở cơ sở.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng của huyện cần xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các đối tượng xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; chú trọng công tác BVCSGD các đối tượng bị xâm hại để tạo điều kiện cho trẻ em hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. 

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác