25/08/2022 17:36
|
Đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo đánh giá trình bày tại buổi làm việc, thời gian qua, công tác phối hợp giữa tỉnh Kon Tum và Bộ VH,TT&DL tại LVHDLCDT Việt Nam đạt những kết quả tích cực.
Theo đó, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Kon Tum tổ chức 17 đợt cho đồng bào các DTTS tham gia các hoạt động nhân các sự kiện thường niên, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước với quy mô cấp Bộ và cấp Nhà nước. Nội dung hoạt động phong phú, đa dạng và được đổi mới qua từng năm; điểm nhấn là giới thiệu, quảng bá, trình diễn di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của các DTTS của tỉnh cho du khách trong và ngoài nước; góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản văn hóa của 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thời gian tham gia mỗi đợt từ 7-21 ngày, mỗi đợt từ 1-3 đoàn với số lượng nghệ nhân của mỗi đoàn từ 25-30 người.
Bên cạnh việc trình diễn các hoạt động canh tác, săn bắt, ngành nghề thủ công truyền thống; các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian; các đoàn nghệ nhân của tỉnh còn tham gia các hoạt động truyền dạy, phổ biến các tri thức về đời sống văn hóa cổ truyền như kinh nghiệm ứng xử với môi trường, kinh nghiệm ứng xử trong cộng đồng, kinh nghiệm trong lao động sản xuất; các hoạt động chế tác nhạc cụ truyền thống, chế biến các món ẩm thực truyền thống; sửa chữa hoàn thiện ngôi nhà sàn, hoàn thiện không gian làng.
Đặc biệt, các đoàn nghệ nhân Kon Tum còn tổ chức phục dựng nguyên bản trên 20 lễ hội dân gian tiêu biểu, đặc sắc tại LVHDLCDT Việt Nam, như Lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Giẻ - Triêng, Ba Na; Lễ mừng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng, Giẻ - Triêng; Lễ bắc máng nước của dân tộc Xơ Đăng; Lễ mừng nhà mới của dân tộc Ba Na; Lễ cầu mưa của dân tộc Gia Rai; Lễ cầu an của dân tộc Ba Na; Lễ mừng về làng mới của dân tộc B’Râu; Lễ cưới truyền thống của dân tộc Giẻ - Triêng… Các lễ hội của các dân tộc tỉnh Kon Tum được phục dựng nguyên bản, đảm bảo tính truyền thống.
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum tự nguyện tặng cho LVHDLCDT Việt Nam bằng hình thức trưng bày tại các ngôi nhà cư trú gần 100 hiện vật, gồm công cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, nhạc cụ âm nhạc truyền thống...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phân tích những khó khăn, vướng mắc; nhất là về kinh phí, phong tục tập quán của các đoàn nghệ nhân khi được tỉnh cử đi tham gia các hoạt động tại LVHDLCDT Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Bộ VH,TT&DL tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy định cụ thể về định mức hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian trong việc tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, trong đó có nội dung tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho nghệ nhân khi tham gia hoạt động hàng ngày tại LVHDLCDT Việt Nam.
|
|
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc đánh giá cao kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ VH,TT&DL và UBND tỉnh Kon Tum trong thời gian qua. Đồng thời, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc mà các đại biểu đã nêu ra và khẳng định cần có các giải pháp thiết thực, cụ thể tháo gỡ những tồn tại để Quy chế phối hợp này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục phối hợp với Bộ VH,TT&DL, Ban Quản lý LVHDLCDT Việt Nam trong việc huy động các nghệ nhân tham gia các hoạt động theo Kế hoạch của Bộ VH,TT&DL để giới thiệu, quảng bá, trình diễn đời sống văn hóa truyền thống, phổ biến tri thức văn hóa truyền thống, góp phần đẩy mạnh các hoạt động tại ngôi nhà chung của các dân tộc Việt Nam.
Quang Định