Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia làm việc với tỉnh Kon Tum

03/07/2020 05:53

Chiều 2/7, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia do đồng chí Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum về kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2016-2020…
Đồng chí Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PN

 

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thế Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố…  

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đến nay, toàn tỉnh có 26/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (chiếm 30% tổng số xã, trong đó, 2 xã đang đề nghị công nhận nông thôn mới), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 13,67 tiêu chí/xã, tăng 11 tiêu chí so với năm 2010; có 5 xã đạt chuẩn từ 15 đến 18 tiêu chí, 44 xã đạt chuẩn từ 10-14 tiêu chí và 10 xã đạt chuẩn từ 8 - 9 tiêu chí, không có xã đạt chuẩn dưới 8 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 28 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 14 tiêu chí/xã.

Trong phát triển hợp tác xã (HTX), đến nay, toàn tỉnh có 108 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX  tham gia Đề án mỗi xã một sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tỉnh Kon Tum đã xây dựng và ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2018-2030, quy hoạch phát triển 138 sản phẩm. Trong đó, tập trung phát triển 85 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh của các địa phương đạt chuẩn cấp tỉnh (3 đến 4 sao) và phát triển được từ 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 5/10 huyện, thành phố tổ chức thi đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện với kết quả có 20/33 sản phẩm cấp huyện dự thi đạt tiêu chí sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tỉnh cũng đã tổ chức thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2019 và đã chọn được 19 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao.

Tỉnh ta cũng nêu lên một số thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời kiến nghị: Nhà nước cần phải có chính sách đặc thù, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thực hiện đối với 49 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; ban hành cơ chế quy định cụ thể lồng ghép các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Có chính sách hỗ trợ quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại các điểm dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xem xét hỗ trợ xây dựng điểm về xã nông thôn mới đối với xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS. Tỉnh ta cũng đề nghị: Cần xây dựng bổ sung các bộ tiêu chí phù hợp với sự đa dạng của các nhóm ngành hàng cũng như quy định phân loại cụ thể về các nhóm sản phẩm OCOP; tiếp tục có cơ chế hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các HTX, hỗ trợ xây dựng các HTX nông nghiệp gắn với các chuỗi giá trị, các sản phẩm chủ lực; có chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp và HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; hỗ trợ tư vấn xây dựng thí điểm các mô hình HTX gắn với sản phẩm OCOP tiềm năng; hỗ trợ tỉnh xây dựng các mô hình làng, xã nông thôn mới trên địa bàn các xã khó khăn, miền núi và dân tộc gắn với các hình thức tổ chức sản xuất đặc trưng phù hợp với vùng khó khăn, vùng núi và dân tộc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Nam đánh giá cao tỉnh Kon Tum dù còn nhiều khó khăn nhưng đã triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh nên hiện so với cả nước, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh còn thấp, vẫn còn 2 huyện chưa có xã đạt chuẩn về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Kon Tum có nhiều vùng lợi thế phát triển nông nghiêp, vì vậy thời gian tới, đề nghị tỉnh Kon Tum rà soát vùng nguyên liệu chủ lực, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn; tổ chức lại sản xuất theo chương trình OCOP; tập trung phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ và nâng giá trị sản phẩm, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Đề nghị tỉnh tập trung nguồn lực, cố gắng đầu tư để xóa không còn xã “trắng” về chuẩn nông thôn mới tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Ia H’Drai trong năm nay. Tỉnh nên xây dựng đề án riêng đối với 49 xã đặc biệt khó khăn và xã an toàn khu nhằm lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới. Tỉnh cũng cần thí điểm xây dựng quy hoạch mô hình khu dân cư nông thôn mới ở vùng biên giai đoạn 2021-2025. Đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm là lợi thế của từng địa phương để nâng cao giá trị của sản phẩm. Đối với phát triển HTX, đề nghị xây dựng đề án phát triển HTX giai đoạn 2021-2025 và phân khai nguồn hỗ trợ nhằm phát huy hiệu quả kinh tế HTX gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phúc Nguyên  

 

 

Chuyên mục khác